.

Sốt xuất huyết giảm nhưng không được chủ quan

Cập nhật: 10:37, 27/04/2020 (GMT+7)

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, mặc dù hiện nay số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh giảm, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tình hình dịch bệnh SXH vẫn đang diễn biến phức tạp, bất thường với sự xuất hiện ca bệnh ngay từ đầu năm. Hiện nay đang là thời điểm chuẩn bị bước vào mùa mưa, SXH có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ do môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi nhanh chóng.

Từng hộ gia đình cần nâng cao ý thức  diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng ngừa dịch bệnh SXH.
Từng hộ gia đình cần nâng cao ý thức diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng ngừa dịch bệnh SXH.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chơn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang cho biết, thời điểm hiện tại số ca mắc SXH của Tiền Giang không tăng, tuy nhiên xét trên tổng số ca mắc SXH thì Tiền Giang đang đứng thứ 5 so với 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Điều này cảnh báo tỉnh không thể lơ là trong công tác phòng, chống SXH.

Do tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên năm nay tỉnh không phát động Chiến dịch “Diệt muỗi, diệt lăng quăng” (gọi tắt là Chiến dịch) tập trung nhưng đã chỉ đạo các huyện, thị, thành tổ chức Chiến dịch tại các địa phương, đơn vị. Trong tổ chức Chiến dịch, tập trung thực hiện công tác giám sát muỗi, chỉ số lăng quăng tại hộ gia đình và truyền thông trực tiếp nhắc nhở người dân ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH.

Đến nay, có 8/11 huyện, thị, thành của tỉnh tổ chức Chiến dịch, còn lại các địa phương sẽ tiếp tục tổ chức Chiến dịch trong thời gian tới. Trong đó, có 3 địa phương tổ chức Chiến dịch nhưng không đạt yêu cầu và được tỉnh yêu cầu tổ chức lại.

Theo bác sĩ Chơn, hiện nay, công tác phòng, chống SXH đang gặp khó khăn. Nguyên nhân là do trong tự nhiên và môi trường sống của con người luôn tồn tại môi trường sinh sản của muỗi. Do đó, để phòng, chống SXH hiệu quả điều quan trọng là phải kiểm soát chỉ số lăng quăng và các loại muỗi truyền vi rút SXH; để làm được điều này, vấn đề chính là phải loại trừ được môi trường đẻ trứng của muỗi và lăng quăng phát triển mạnh trước khi trưởng thành.

Khác với muỗi truyền bệnh sốt rét, muỗi truyền bệnh SXH đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước nhỏ trong các hộ gia đình. Điều này có nghĩa là nếu không có những nỗ lực của từng hộ gia đình trong việc loại trừ môi trường đẻ trứng của muỗi, thì sẽ không thể ngăn chặn một cách hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh SXH.

THỦY HÀ

.
.
.