Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: "Sát thủ" vô hình
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau tim mạch và ung thư. Điều đáng nói, đây là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn khiến người bệnh suy sụp về tinh thần vì phải điều trị suốt đời.
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh COPD. |
Thống kê của WHO cho thấy, mỗi năm, toàn cầu có hơn 300 triệu người được phát hiện mắc bệnh COPD. Ở Việt Nam, theo những kết quả trong nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc bệnh COPD là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.
BỆNH ĐANG GIA TĂNG
COPD là một trong những bệnh gây tàn phế và có tỷ lệ tử vong cao. Số người mắc bệnh và tần suất tử vong vì căn bệnh này đang có chiều hướng gia tăng.
Bệnh COPD làm suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hằng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Tại Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang là nơi tiếp nhận và điều trị lượng lớn bệnh nhân COPD trong tỉnh.
Bác sĩ Chuyên khoa II (BS CKII) Lê Thúy Phượng, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cho biết, đặc trưng của bệnh COPD là sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn, sự cản trở thông khí này thường tiến triển từ từ và liên quan đến phản ứng viêm bất thường của phổi với các phân tử nhỏ hoặc khí độc hại.
Tuy là bệnh nguy hiểm nhưng diễn biến của COPD khá âm thầm. Bệnh nhân hoàn toàn không thấy triệu chứng khi bệnh ở giai đoạn nhẹ và triệu chứng nhẹ nhàng ở giai đoạn nặng hơn. Do đó, người mắc bệnh COPD ở giai đoạn sớm thường chỉ phát hiện bệnh một cách tình cờ khi khám các loại bệnh khác.
Bệnh nhân thường đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh COPD trong giai đoạn muộn, khi tình trạng phổi tắc nghẽn đã nặng. Việc đánh giá không đúng mức về COPD đã góp phần làm gia tăng tần suất bệnh, tăng gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Hiện nay, COPD là căn bệnh khá phổ biến và tỷ lệ nhập viện điều trị tăng cao do yếu tố nguy cơ tăng, cộng với việc tăng tuổi thọ. Chi phí điều trị bệnh COPD khá cao, vì là bệnh không thể điều trị dứt, mà chỉ làm chậm quá trình tiến triển của bệnh nên bệnh nhân phải sử dụng thuốc suốt đời. Do đó, chi phí trị bệnh COPD vì thế sẽ liên tục tăng theo thời gian và diễn tiến của bệnh.
BS CKII Lê Thúy Phượng cho biết thêm, số lần nhập viện của người mắc bệnh COPD tăng dần theo thời gian. Ở 2 giai đoạn đầu của bệnh, việc điều trị có hiệu quả tốt hơn và chi phí trị bệnh không đáng kể. Trong 2 giai đoạn sau của bệnh, chi phí điều trị bệnh tăng từ khoảng 1 triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Không ít bệnh nhân COPD phải nằm viện liên tục nhiều lần trong năm và thời gian nằm viện mỗi lần cũng kéo dài hơn. Có trường hợp bệnh nhân COPD phải nằm hồi sức tích cực, thở máy suốt cả năm, với viện phí trên 100 triệu đồng…
DUY TRÌ THÓI QUEN LÀNH MẠNH
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tiền Giang, người mắc bệnh COPD thường có những triệu chứng sau: Ho khạc đờm 3 tháng trong 1 năm và liên tiếp trong 2 năm trở lên; khó thở tiến triển nặng dần theo thời gian và khó thở liên tục khiến bệnh nhân phải gắng sức để thở, thở nặng, nhiễm trùng đường hô hấp...
Khi có 1 trong những triệu chứng trên, người bệnh cần đến khám tại bệnh viện có chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị bệnh COPD tùy thuộc vào đánh giá mức độ tắc nghẽn đường thở và chỉ số Gaensler, bác sĩ sẽ chỉ định mức độ điều trị cho phù hợp tại nhà. Trường hợp bệnh nặng có suy hô hấp (nặng ngực, khó thở, co kéo cơ liên sườn phổi có rale bệnh lý) thì người bệnh cần phải nhập viện điều trị.
Đặc điểm của COPD là bệnh thường xuất hiện ở người từ 40 tuổi trở lên và có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm. Thuốc lá là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây bệnh COPD. Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ bệnh COPD. Số liệu thống kê của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống bệnh COPD cho thấy, có 80% - 90% bệnh nhân COPD đang hút hoặc có tiền sử hút thuốc lá.
Ngoài thuốc lá, yếu tố nguy cơ và điều kiện thuận lợi để bệnh COPD phát triển là ô nhiễm môi trường không khí, tiếp xúc với khói bụi nghề nghiệp, nhiễm khuẩn hô hấp thời niên thiếu, điều kiện kinh tế - xã hội kém… Ngoài ra, bệnh COPD còn liên quan với yếu tố khí hậu như thời tiết, nhiễm lạnh… và yếu tố cơ địa (do gen di truyền thiếu men Alpha antitrypsin).
Hiện nay, việc chẩn đoán bệnh COPD được thực hiện không quá khó đối với các bệnh viện có chuyên khoa về hô hấp. Với thiết bị máy đo hô hấp sẽ giúp xác định phổi có bị tắc nghẽn hay không và mức độ tắc nghẽn như thế nào.
Bệnh COPD thường ít được phát hiện ở giai đoạn sớm, do đó người thuộc nhóm có nguy cơ cao và có các triệu chứng ban đầu như ho, khạc đờm kéo dài, khó thở khi gắng sức thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và kiểm tra chức năng phổi.
Các chuyên gia về bệnh COPD khuyến cáo, nam giới không nên hút thuốc lá, thuốc lào; còn trẻ em, phụ nữ nên tránh bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp với khói thuốc lá, thuốc lào. Riêng với người cao tuổi đã mắc bệnh COPD, để phòng ngừa bệnh tái phát, giảm nguy cơ biến chứng nên hạn chế đến mức thấp nhất việc tiếp xúc với khói thuốc, các hóa chất, khói bụi độc hại.
Ngoài ra, mỗi người nên tạo cho mình thói quen tập thể dục đều đặn hằng ngày, nhất là hít thở không khí trong lành trước và sau khi ngủ dậy. Còn với người bệnh COPD nên duy trì luyện tập các bộ môn thể thao như đạp xe, đi bộ... ở mức độ trung bình từ 30 - 60 phút/ngày, tùy theo khả năng. Với bệnh nhân nặng có thể giảm thời gian luyện tập, hoặc tập thở bằng cách hít sâu và thở mạnh ra hết sức...
Ngoài việc luyện tập, người bệnh COPD cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn đồ loãng, nóng, thức ăn mềm dễ hấp thu. Chế độ ăn cần đủ chất dinh dưỡng và bổ sung thêm nước hoa quả, trái cây, rau xanh. Riêng với người cao tuổi bị bệnh COPD nên tuân thủ việc uống thuốc theo đúng sự chỉ dẫn của bác sĩ.
MAI HÀ