Hành trình 45 năm tiến đến nền y học hiện đại
Có thể nói, Tiền Giang đã có những phát triển vượt bậc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt trong những năm gần đây, ngành Y tế có sự phát triển nhanh, rõ nét trên tất cả lĩnh vực từ hệ điều trị đến hệ dự phòng đã mang đến sự tiện ích, chu đáo trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Năm 2019, ngành Y tế Tiền Giang đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Thần kinh quốc tế lần thứ I và Hội nghị Thần kinh Việt Nam lần thứ 21. |
TỪ GIAN KHÓ
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 2 ngành Quân y và Dân y từng lúc, từng nơi, từng cấp hầu như không có sự tách biệt mà luôn hướng đến nhiệm vụ chung là phục vụ chiến đấu, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và thương binh, bệnh binh nói riêng.
Trong cuộc kháng chiến đầy gian lao thử thách này, có 120 cán bộ ngành Y tế tỉnh nhà đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ngành Y tế Tiền Giang cùng với cả nước bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước ổn định và phát triển. Có thể nói, đó là những năm tháng đầy cam go và thử thách.
Bác sĩ Lưu Thị Bạch, nguyên Phó Ty Y tế Tiền Giang (sau này là Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang) giai đoạn 1977 - 1993 cho biết, vào tháng 4-1976, Ty Y tế Tiền Giang được thành lập, bác sĩ Hoàng Vĩnh Bảo (Trần Hữu Hằng) làm Trưởng Ty. Trong những năm tháng đầu sau giải phóng, ngành Y tế Tiền Giang đối mặt với vô vàn khó khăn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men cho đến nhân lực.
“Vào thời điểm này, toàn tỉnh có chưa tới 20 bác sĩ, cán bộ y tế, chủ yếu là y sĩ và y tá; khoảng 50% xã trong tỉnh có trạm y tế. Về trang thiết bị y tế, chỉ có 1 bộ dụng cụ đại phẫu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (nay là Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh). Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa có nhiều chuyên khoa sâu; thời kỳ này bệnh viện chỉ có thể thực hiện những phẫu thuật đơn giản. Mặc dù thiếu thốn về trang thiết bị, về chế độ, chính sách nhưng không làm nản lòng đội ngũ thầy thuốc tỉnh nhà. Đó là những năm tháng mà ngành Y tế Tiền Giang vượt qua khó khăn để đi lên, đạt được những thành quả rất đáng tự hào” - bác sĩ Bạch cho biết thêm.
Với những nỗ lực vì sức khỏe nhân dân, hệ thống mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố và đi vào hoạt động hiệu quả. Đến năm 1985, toàn ngành Y tế Tiền Giang có 4.729 cán bộ y tế, trong đó có 102 bác sĩ, 50 dược sĩ đại học, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.
Chặng đường đầu tiên của ngành Y tế Tiền Giang với bao khó khăn, đi từ không đến có, từ khó đến dễ, từ ít đến nhiều. Cùng với các ngành chức năng, ngành Y tế Tiền Giang đã đề xướng nhiều phong trào chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Kết quả, Tiền Giang trở thành lá cờ đầu cả nước trong phong trào “5 dứt điểm”, “trồng và sử dụng thuốc Nam”, “Đông Nam y kết hợp”, “3 công trình vệ sinh”... Sau ngày đất nước đổi mới, ngành Y tế Tiền Giang đã kế thừa nhiều tinh hoa y học của thế giới để xây dựng ngành ngày một lớn mạnh.
Ngành Y tế Tiền Giang được trang bị nhiều thiết bị hiện đại tầm cỡ khu vực và thực hiện nhiều can thiệp chuyên sâu. |
HƯỚNG ĐẾN HIỆN ĐẠI
Từ việc xác định phương châm đa dạng hóa các hoạt động, xã hội hóa công tác y tế, ngành Y tế Tiền Giang đã có bước tiến dài trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, với hệ thống cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân, hướng đến phục vụ nhân dân với chất lượng ngày càng cao, hiệu quả và công bằng.
Theo bác sĩ Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế, năm 2019, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao trong năm. Cụ thể, số bác sĩ/vạn dân đạt 6,8%; số giường bệnh/vạn dân đạt 23,32%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 89,5%; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia y tế xã…
Về công tác kiểm soát bệnh tật, ngành Y tế đã kiểm soát và khống chế tốt các loại dịch bệnh. Năm 2019, dịch sốt xuất huyết bùng phát theo chu kỳ 5 năm/lần.
Ngành Y tế đã tích cực khống chế không để dịch lớn xảy ra, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong so với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời, không để xảy ra các loại dịch bệnh mới như: Cúm A H7N9, nhiễm vi rút Ebola, nhiễm Mers-CoV, vi rút Zika...
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19 toàn cầu hiện nay, những “chiến sĩ” áo trắng của Tiền Giang đã xông pha trên tuyến đầu chống dịch, góp phần rất lớn vào thành tích ngăn chặn, không để xảy ra ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh cho đến thời điểm này. Các chương trình mục tiêu y tế - dân số đều thực hiện đạt chỉ tiêu; liên tục duy trì tỷ suất tử vong bà mẹ trong tỉnh là 0/100.000 dân.
Bên cạnh đó, các “Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện” của Bộ Y tế được các bệnh viện của tỉnh thực hiện tốt và ngày càng đạt những chỉ số cao. 100% bệnh viện đều đạt tiêu chí chất lượng bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế và giữ vững tiêu chí mức 3.
Công tác khám, chữa bệnh được nâng cao về chất lượng, công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị đạt 103,77%; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.
PGS.TS.BS Tạ Văn Trầm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh cho biết, hiện tại bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị. Nhiều bệnh trước đây bệnh viện phải chuyển lên tuyến trên điều trị thì nay đã có thể điều trị tốt tại bệnh viện như phẫu thuật chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, phẫu thuật cứu sống bệnh nhân thủng tim, can thiệp nội mạch...
Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh bằng Tây y, hệ thống mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền phát triển mạnh mẽ. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh thực hiện tốt việc chữa bệnh bằng phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc.
Năm 2019, có trên 4 triệu lượt người điều trị bệnh bằng Đông y tại các cơ sở Đông y của tỉnh. Về công tác dược, tỉnh có 2 công ty dược phẩm là Tipharco và Calapharco được đầu tư cơ sở, thiết bị, công nghệ cho sản xuất, ngày càng nâng cao chất lượng, củng cố vị thế và uy tín sản phẩm của đơn vị trên địa bàn cả nước.
Với những nỗ lực to lớn của tập thể cán bộ, công chức, viên chức vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành Y tế Tiền Giang đã được Nhà nước khen tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh. Nhiều tập thể và cá nhân điển hình của ngành Y tế tỉnh nhà được Nhà nước phong tặng Huân chương, Huy chương và các danh hiệu cao quý khác như Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, trong đó có 3 cá nhân được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Sau 45 năm xây dựng từ trong gian khó, ngành Y tế Tiền Giang đã có những bước đi dài, vừa xây dựng vừa củng cố, chỉnh đốn hoàn thiện. Ngành Y tế Tiền Giang đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn và từng bước đi lên theo đà phát triển của y học cả nước và thế giới. Hiện tại, ngành Y tế tỉnh nhà đã có sự phát triển mạnh mẽ, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
THỦY HÀ