Thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trên hơn 10.000 người
Cập nhật: 07:18, 26/05/2020 (GMT+7)
Trường Đại học Oxford (Anh) đang tuyển hàng nghìn tình nguyện viên cho giai đoạn thử nghiệm tiếp theo trên người loại vaccine phòng COVID-19 mà các nhà nghiên cứu đánh giá là rất triển vọng.
Ảnh minh họa |
Ông Andrew Pollard, Trưởng Nhóm vaccine Oxford, cho biết có tới 10.260 người lớn tuổi và trẻ em sẽ được lựa chọn tham gia thử nghiệm khi trường Oxford mở rộng độ tuổi người được tiêm vaccine.
Các chuyên gia của Đại học Oxford bắt đầu thử nghiệm vaccine nói trên trên người từ tháng trước với khoảng 1.000 người tham gia.
Theo ông Pollard, các nghiên cứu lâm sàng đang cho kết quả khả quan. Các chuyên gia đang bắt đầu nghiên cứu nhằm đánh giá phương thức mà vaccine tạo phản ứng miễn dịch ở người cao tuổi và khả năng vaccine phát huy hiệu quả ở phạm vi rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, hiện chưa thể dự đoán thời điểm vaccine có thể được sử dụng để tiêm chủng cho phạm vi cư dân rộng hơn vì rất khó để biết chính xác khi nào các nhà nghiên cứu có được bằng chứng về hiệu quả của vaccine.
Đại học Oxford và tập đoàn dược AstraZeneca đã ký một hợp đồng cung cấp từ 30 triệu đến 100 triệu liều vaccine cho nước Anh vào tháng 9-2020. Đã có 160 tình nguyện viên khỏe mạnh, trong độ tuổi 18-55 đã tham gia giai đoạn 1 thử nghiệm trên người.
Dự kiến, giai đoạn tiếp theo sẽ gồm người cao tuổi và trẻ em từ 5 đến 12 tuổi. Giai đoạn thứ 3 của thử nghiệm sau đó sẽ đánh giá tác dụng của vaccine đối với một số lượng lớn người trên 18 tuổi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vaccine tiềm năng của Đại học Oxford là một trong số 8 vaccine được thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới. Chính phủ Anh tài trợ cho dự án này khoảng 85 triệu bảng Anh (tương đương 104 triệu USD).
Tập đoàn AstraZeneca cho biết đã nhận được khoản tài trợ hơn 1 tỷ USD của Mỹ cho việc sản xuất vaccine này.
Các nhà khoa học Nga tự thử nghiệm vaccine
Ông Alexander Ginzburg, Viện sỹ Viện hàn lâm Khoa học Nga (RAN) kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học và vi trùng học quốc gia N. F. Gamalei (NITsEM) trực thuộc Bộ Y tế Liên bang Nga cho biết các chuyên gia của trung tâm đã tự thử nghiệm trên người họ vaccine chống SARS-CoV-2 và đã thành công khi kết quả cho thấy có sự miễn dịch, không thấy tác dụng phụ tiêu cực nào.
Hiện vaccine của NITsEM đang ở giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng cuối cùng trên các loài linh trưởng. Theo ông Ginzburg, các nhà khoa học đã tự tiêm vaccine để bảo vệ chính họ chứ không chỉ là để nghiên cứu.
Ngay sau khi có kết quả qua thử nghiệm trên linh trưởng, NITsEM sẽ yêu cầu Bộ Y tế Nga cho phép thử nghiệm lâm sàng và sau đó sẽ thử nghiệm chính thức ở những người tình nguyện.
Trong khi đó, tại Italy, Tổng Giám đốc Cơ quan Dược phẩm nước nay (AIFA) Nicola Magrini cho biết có từ 5 đến 6 loại vaccine triển vọng phòng COVID-19 đang có kết quả khả quan và dự kiến sẽ được công nhận vào mùa Xuân năm 2021.
(Theo chinhphu.vn)