.

Tiền Giang: Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Cập nhật: 11:42, 19/08/2020 (GMT+7)

Hiện Tiền Giang có tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) là 109,66 bé trai/100 bé gái. Mặc dù có sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng và sự thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai, con gái nhưng TSGTKS của tỉnh vẫn ở mức cao.

Do đó, để khống chế hiệu quả sự gia tăng TSGTKS rất cần sự chung tay, góp sức, thay đổi nhận thức của cả cộng đồng xã hội.

Ngày 22-11-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1679 phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược với quan điểm chỉ đạo: “Quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết 21 ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh”. Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Tạo điều kiện để bé trai và bé gái phát triển như nhau.

VẪN CÒN TƯ TƯỞNG “TRỌNG NAM, KHINH NỮ”

Chị T.T.T. (ngụ xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy) làm nghề may gia công, còn chồng chị là viên chức nhà nước. Vợ chồng chị T. đã có 2 con gái 10 tuổi và 6 tuổi. Tuy nhiên, do chồng chị là con trai duy nhất trong gia đình có 3 anh em nên áp lực phải sinh cho bằng được con trai luôn khiến chị T. phải băn khoăn, suy nghĩ. Kết quả, chị T. có thai lần thứ 3 ở tuổi 40 và vừa sinh thêm... bé gái. Chia sẻ về việc có tiếp tục sinh thêm con nữa hay không, chị T. tâm sự: “Mặc dù không ai nói ra nhưng khi tôi sinh con gái thứ 3, cha mẹ chồng không mấy vui vẻ. Vợ chồng tôi chưa có ý định sinh thêm con nữa nhưng cũng không chắc chắn sẽ dừng lại”.

Thực tế hiện nay, những trường hợp như gia đình chị T. không phải hiếm, có những gia đình ở các huyện vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, thậm chí nhiều gia đình công chức, viên chức, là đảng viên vẫn còn nặng nề vấn đề sinh con trai để “nối dõi tông đường” nên vẫn sinh cho bằng được con trai. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của y học cả về phương tiện kỹ thuật lẫn trình độ chuyên môn của nhân viên y tế là điều kiện để nhiều gia đình tìm cách lựa chọn giới tính thai nhi.

Ngày 22-11-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1679 phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược với quan điểm chỉ đạo: “Quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết 21 ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh”.

Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát: Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở nước ta đang có xu hướng tăng và lan rộng ở cả nông thôn và thành thị, ở các vùng miền khác nhau. Khảo sát mới đây của cơ quan chức năng cho thấy, TSGTKS bình quân của cả nước hiện ở mức rất cao: 114,8 bé trai/100 bé gái, vượt quá ngưỡng an toàn cho phép (từ 103 - 107 bé trai/100 bé gái). Cả nước có 55 tỉnh, thành có TSGTKS ở mức 108 bé trai/100 bé gái.

NỖ LỰC KÉO GIẢM MCBGTKS

Hiện nay, MCBGTKS ở Việt Nam là vấn đề đáng lo ngại. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ. Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến cả cộng đồng; có thể “buộc” các em gái phải kết hôn sớm, làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, gây bất ổn xã hội, suy giảm sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản và tình dục ở nam giới…

Không chỉ vậy, để có được con trai, nhiều phụ nữ đã phải nạo phá thai nhiều lần, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngoài ra, mỗi lần sinh đẻ có thể gây ra những rủi ro khó lường đối với sức khỏe của cả mẹ và con. Nạo phá thai và cố đẻ để có con trai đều ảnh hưởng đến kinh tế gia đình do phải tăng thêm chi phí để chăm sóc sức khỏe cho người phụ nữ, giảm thu nhập của các thành viên trong gia đình...

Hiện đã có 59/63 tỉnh, thành phố, trong đó có Tiền Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án của Chính phủ về kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2016 - 2025 nhằm tích cực triển khai các hoạt động can thiệp, kiềm chế tình trạng MCBGTKS.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh xác định mục tiêu kiểm soát MCBGTKS là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự vào cuộc và chung tay của cả cộng đồng. Công tác tuyên truyền được quan tâm với nhiều hình thức, kết hợp với việc xây dựng các mô hình phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của từng đối tượng, đặc biệt hướng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nội dung tuyên truyền tập trung vào vận động giảm sinh, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền về MCBGTKS, bình đẳng giới, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số...

Là cơ quan chuyên môn trực tiếp, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án can thiệp, giảm tỷ lệ MCBGTKS; khuyến khích xây dựng mới và duy trì sinh hoạt câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 ở các xã, phường, thị trấn; khuyến khích các địa phương đưa nội dung can thiệp giảm thiểu MCBGTKS như bình đẳng giới; không phân biệt vai trò con trai, con gái trong chăm sóc cha mẹ già, trong công việc gia đình, đưa nội dung không lựa chọn giới tính thai nhi vào hương ước, quy ước tại địa phương. Bên cạnh đó, chi cục phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị, thành tổ chức trao quà hỗ trợ trẻ em trong các gia đình sinh 2 con một bề là gái không sinh con thứ 3 trở lên có thành tích cao trong học tập; tổ chức hội nghị, hội thảo nói chuyện chuyên đề về giới, MCBGTKS…

Nhằm có những tác động tích cực đến tình trạng MCBGTKS, tỉnh đang triển khai Đề án Giảm thiểu MCBGTKS, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, chăm sóc sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên... Để đạt được mục tiêu đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số, ngoài việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, các đề án, mô hình đã áp dụng, tỉnh tiếp tục đầu tư nguồn lực, kinh phí cho công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình nhằm khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS.

P. NGHI

.
.
.