.

WHO hy vọng đại dịch COVID-19 có thể chấm dứt trong 2 năm tới

Cập nhật: 16:24, 22/08/2020 (GMT+7)

 CDC lạc quan về tình hình dịch bệnh tại Mỹ và cho rằng số ca tử vong sẽ bắt đầu giảm vào tuần tới; trong khi đó Tổng Giám đốc WHO hy vọng đại dịch COVID-19 có thể chấm dứt trong 2 năm tới.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại công viên Sunset ở Brooklyn, New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại công viên Sunset ở Brooklyn, New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang worldometers.info, tính đến 5 giờ 30 sáng 22-8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 23.068.655 ca nhiễm COVID-19, trong đó 801.963ca tử vong, 15.654.529 ca đã hồi phục.

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của đại dịch COVID-19 với 5.790.472 ca nhiễm, 179.030 ca tử vong và 3.115.549 ca đã hồi phục. Tiếp theo là Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi.

Thái Lan ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới từ nước ngoài trở về

Thái Lan ngày 21-8 ghi nhận thêm một ca mới là một trường hợp trở về từ Singapore và đã được cách ly. Như vậy, đến nay, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 3.390 ca COVID-19, trong đó có 58 trường hợp tử vong.

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan Taweesilp Visanuyothin nói rằng mặc dù số người chết vẫn đứng ở con số 58 người kể từ 2-6, nhưng vẫn có thể có thêm những trường hợp tử vong nữa vì COVID-19 ở Thái Lan.

CCSA ngày 21-8 đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và đã quyết định ra hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới ngày 30-9.

Trước đó, Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan (NSC) hôm 20-8 nói rằng NSC đã thông qua việc kéo dài sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp do việc sửa đổi Luật về bệnh truyền nhiễm vẫn đang được xử lý. NSC cũng khẳng định rằng cơ quan này sẽ không thực thi sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp để kiểm soát các cuộc biểu tình chính trị.

Dự kiến, việc gia hạn sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm một tháng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp nội các hàng tuần vào ngày 25-8 tới.

WHO hy vọng đại dịch COVID-19 có thể chấm dứt trong 2 năm tới

Theo Reuters, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 21-8 cho hay tổ chức này hy vọng rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 có thể chấm dứt trong vòng chưa đầy hai năm tới.

Theo ông Tedros, dịch cúm Tây Ban Nha, bùng phát vào năm 1918, cũng đã kết thúc sau hai năm.

Người đứng đầu WHO nói: “Tình hình của chúng ta hiện nay có nhiều công nghệ hơn, đương nhiên là với nhiều sự kết nối hơn, nên virus (SARS-CoV-2) có cơ hội lây lan một cách thuận lợi hơn... Cùng lúc, chúng ta có công nghệ và hiểu biết để ngăn chặn nó."

Trong khi đó, chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Tiến sỹ Maria Van Kerkhove, ngày 21-8 nhấn mạnh cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về tác động từ những đột biến của virus SARS-CoV-2.

Chuyên gia của WHO nói: “Một nhóm chuyên viên đặc biệt đã được thành lập để xác định những sự đột biến… và chúng tôi đang tìm hiểu phương pháp để chúng ta có thể hiểu biết rõ ràng hơn về đột biến và cách hoạt động của chúng."

Cũng theo bà Van Kerkhove, mặc dù hiện có nhiều nghiên cứu về tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2 trong trẻ em ở các nhóm tuổi khác nhau, song những hiểu biết về tình trạng này vẫn còn hạn chế.

CDC lạc quan về tình hình dịch bệnh tại Mỹ

Ngày 21-8, ông Robert Redfield, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) nhận định số ca tử vong do dịch COVID-19 tại nước này sẽ bắt đầu giảm vào tuần tới khi tỷ lệ tử vong trung bình mỗi ngày trong 7 ngày qua luôn ở mức 1.000 ca.

Ông Redfield đưa ra nhận định trên căn cứ số liệu thống kê dịch bệnh thực tế cho thấy mức tăng trung bình số ca nhiễm mới trên toàn nước Mỹ đã giảm trong nhiều tuần.

Tuy nhiên, quan chức CDC này cho rằng cần có thêm thời gian để các biện pháp phòng dịch phát huy hiệu quả trong việc giảm tốc độ lây lan, bao gồm việc tiếp tục khuyến khích sử dụng khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội và đóng cửa các cơ sở giải trí - biện pháp được thực hiện ở các bang được đánh giá là "điểm nóng" đại dịch là Arizona và Texas.

Các quan chức y tế đánh giá Mỹ đang bắt đầu kiểm soát được sự bùng phát của đại dịch ở các địa phương phía Nam. Tuy nhiên, tình hình tại khu vực miền Trung chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện.

Đức mở rộng cảnh báo đi lại tới Brussels do tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2

Tuyên bố ngày 21-8 của Bộ Ngoại giao Đức cho biết nước này đã đưa ra cảnh báo đối với hoạt động đi lại tới thành phố Brussels, do tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cao ở thủ đô của Vương quốc Bỉ - nơi đặt trụ sở chính của các cơ quan chủ chốt thuộc Liên minh châu Âu.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hồi tuần trước, Đức đã cảnh báo mọi hoạt động đi lại không cần thiết tới các khu vực trong khối EU, nơi có tỷ lệ hơn 50 ca bệnh/100.000 cư dân. Tỉnh Antwerp của Bỉ cũng nằm trong danh sách cảnh báo này.

Trang mạng tư vấn du lịch của bộ trên dẫn tuyên bố nêu rõ: “Hiện có một cảnh báo có hiệu lực đối với hoạt động đi lại không cần thiết, vì mục đích du lịch tới thủ đô Brussels và tỉnh Antwerp."

Các quy định hạn chế này có nghĩa là những người trở về từ 2 địa phương của Bỉ sẽ phải đối mặt với yêu cầu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và 2 tuần cách ly bắt buộc nếu họ từ chối chấp hành cảnh báo của Bộ Ngoại giao Đức.

Pháp: Học sinh trên 11 tuổi phải đeo khẩu trang ở trường học

Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong trường học, Bộ Giáo dục Pháp đã yêu cầu các học sinh từ 11 tuổi trở lên bắt buộc phải đeo khẩu trang khi tới lớp.

Theo kế hoạch, chỉ còn một tuần nữa, các trường học ở Pháp sẽ mở cửa trở lại để bắt đầu năm học mới. Quy định đeo khẩu trang bắt buộc nói trên là biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn trước, trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đang tăng nhanh chóng, với 4.700 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 20-8.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình tối 20/8, Bộ trưởng Giáo dục Jean-Michel Blanquer cho biết: "Đeo khẩu trang sẽ là quy định bắt buộc trong các phòng học kín từ cấp trung học cơ sở và cả ở những nơi vẫn đảm bảo được yêu cầu giãn cách xã hội."

Tuy nhiên, ông cho biết từng trường có thể đưa những quy định của mình đối với những hoạt động ngoài trời sau giờ học. Chính phủ sẽ cấp phát khẩu trang tới những gia đình có thu nhập bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Ông cũng loại trừ khả năng tiếp tục trì hoãn thời điểm bắt đầu năm học mới, điều mà một số hiệp hội giáo viên đề xuất vì lo ngại nguy cơ tái bùng phát dịch.

Tương tự, tại Italy, nhà chức trách đã đưa ra yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra ngoài vào ban đêm tại một số khu vực từ ngày 17-8 và sẽ kéo dài đến ngày 7-9, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng nhanh trên cả nước, đặc biệt là trong giới trẻ.

Tại Thụy Điển, trong khi giới chức vẫn theo quan điểm không yêu cầu đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ngày 15-8, một nhóm gồm 26 nhà nghiên cứu nước này cho rằng trẻ em cần đeo khẩu trang tại trường học để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

Theo các nhà nghiên cứu, các số liệu hiện nay ở Hàn Quốc, Mỹ và Israel cho thấy trẻ em là đối tượng dễ bị lây nhiễm trong khi số liệu từ chính Thụy Điển cho thấy bệnh tình ở trẻ em nhiễm COVID-19 có nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Họ khuyến cáo cần siết chặt các biện pháp kiểm dịch y tế tại trường học, trong đó có việc đeo khẩu trang, hoạt động thể chất phải tiến hành ngoài trời, đảm bảo giãn cách tại căngtin nhà trường...

Nguy cơ hệ thống y tế Iraq sụp đổ do người dân thiếu ý thức phòng dịch COVID-19

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giới chức y tế Iraq cảnh báo hạ tầng y tế nước này sẽ quá tải và sụp đổ nếu số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng.

 Một gia đình đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Baghdad, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một gia đình đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay ở Baghdad, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một thông cáo báo chí ngày 21-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Iraq Hazim al-Jumaili cảnh báo nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng và hệ thống hạ tầng y tế sẽ không thể trụ vững được.

Theo ông, Bộ Y tế và Ủy ban Y tế và an toàn quốc gia đã ban hành rất nhiều quy định và hướng dẫn nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, người dân không có ý thức tuân thủ nghiêm túc, dẫn tới việc số ca nhiễm mới không ngừng tăng.

Thứ trưởng al-Jumaili gọi người dân cần thay đổi cách hành xử, thể hiện trách nhiệm công dân trong phòng chống dịch bệnh.

Theo bộ trên, nước này đã ghi nhận 4.288 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 197.085. Ngoài ra, có 75 ca tử vong mới trong ngày, nâng tổng số ca tử vong lên 6.283 ca. Số ca nhiễm mới được ghi nhận khi 24.761 người được xét nghiệm trên cả nước trong ngày 21-8.

Từ tháng Hai, Iraq đã áp dụng một loạt các biện pháp nhằm kiềm chế dịch. Đầu tháng Tám, chính quyền nước này đã gia hạn lệnh giới nghiêm.

Theo Bộ Y tế Iraq, nước này sẽ là một trong những nước đầu tiên được nhận vắcxin nếu có vắcxin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khác phê chuẩn.

(Theo TTXVN)

.
.
.