Thứ Tư, 23/09/2020, 16:11 (GMT+7)
.

Thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh quai bị

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền qua đường hô hấp. Trẻ em, thanh, thiếu niên dễ mắc bệnh do chưa có kháng thể. Bệnh có thể gây nên một số biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, thậm chí gây vô sinh. Mùa thu đông chuyển tiếp sang mùa xuân là thời điểm bệnh quai bị gia tăng nhiều nhất trong năm. Căn bệnh truyền nhiễm này có thể loại trừ nếu được tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh.

BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM

Theo Bác sĩ CKII Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, bệnh quai bị là bệnh do vi rút gây nên với nguồn lây là người đang mắc bệnh lây cho người lành chưa có kháng thể chống vi rút quai bị.

Tiêm vắc xin là cách bảo vệ tốt nhất cho trẻ em và cả người trưởng thành để phòng bệnh quai bị.
Tiêm vắc xin là cách bảo vệ tốt nhất cho trẻ em và cả người trưởng thành để phòng bệnh quai bị.

Có thể nhận biết bệnh quai bị thông qua triệu chứng của bệnh. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài vài ba tuần lễ, sau đó xuất hiện sốt cao đột ngột, có thể thân nhiệt lên tới 38 - 39oC kèm theo đau đầu, mệt mỏi toàn thân, chán ăn, ngủ kém. Sau khi sốt cao kéo dài từ 1 - 3 ngày thì tuyến nước bọt bị sưng to.

Đầu tiên là sưng một bên, sau vài ngày tiếp tục sưng tuyến nước bọt còn lại, thường sưng 2 bên không đối xứng (một bên sưng to, một bên có thể nhỏ hơn). Một số trường hợp do tuyến nước bọt sưng rất to làm cằm, cổ bạnh ra gây biến dạng cả bộ mặt, khó nhai, khó nuốt. Da ở vùng tuyến nước bọt sưng, căng, bóng, không đỏ nhưng khi sờ vào vùng da đó thấy nóng và bệnh nhân kêu đau.

Có 3 vị trí đau điển hình của bệnh quai bị trong dấu hiệu viêm tuyến nước bọt là góc thái dương - hàm, điểm mỏm xương chũm và góc xương hàm dưới. Sốt thường kéo dài trong vòng 10 ngày, sau khi hết sốt, sưng tuyến nước bọt cũng giảm dần. Đặc điểm nổi bật của bệnh quai bị là viêm tuyến nước bọt mà không bị hóa mủ (trừ khi có bội nhiễm thêm vi khuẩn khác).

Ngoài viêm tuyến nước bọt, virut còn gây tổn thương một số bộ phận khác của cơ thể, như viêm tinh hoàn (nam giới), viêm buồng trứng (nữ giới). Viêm tinh hoàn do virut quai bị hay gặp nhất ở lứa tuổi đang dậy thì và lứa tuổi trưởng thành (thanh, thiếu niên). Tỷ lệ bị viêm tinh hoàn chiếm từ 10 - 30% bệnh nhân quai bị.

Điều đáng lo ngại nhất của viêm tinh hoàn là biến chứng teo tinh hoàn (phải theo dõi một thời gian dài khoảng vài tháng mới có thể biết chắc chắn), tuy vậy tỷ lệ teo tinh hoàn do virut quai bị rất thấp (0,5%). Nếu teo tinh hoàn một bên, chức năng của tinh hoàn còn lại vẫn hoạt động bình thường, nhưng khi đã bị teo cả 2 bên sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động tình dục và sinh sản (vô sinh). Ngoài biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới, ở nữ giới khi bị quai bị cũng có thể bị biến chứng viêm buồng trứng nhưng chỉ chiếm tỷ lệ thấp.

Ngoài ra, bệnh quai bị còn có thể gây nên biến chứng viêm tụy cấp tính, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, giảm bạch cầu. Mặc dù những biến chứng này của bệnh quai bị gặp với tỷ lệ thấp nhưng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

TIÊM NGỪA ĐỂ PHÒNG TRÁNH

Khi nghi ngờ bị bệnh quai bị, nên đưa bệnh nhân đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác, bởi vì viêm tuyến nước bọt không chỉ do vi rút quai bị, mà còn nhiều loại vi rút hoặc vi khuẩn khác.

Bệnh nhân quai bị cần vệ sinh họng, miệng, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy; có thể súc họng, miệng bằng các dung dịch nước muối sinh lý và một số dung dịch sát khuẩn khác; dùng thuốc hạ nhiệt, giảm đau. Ngoài ra, người bệnh cần uống nhiều nước, vì sốt làm mất nước, mất chất điện giải, tốt nhất là uống dung dịch oresol. Cần nghỉ ngơi tại giường, tránh tiếp xúc với những người có nguy cơ cao mắc bệnh quai bị (lứa tuổi thanh, thiếu niên) tối thiểu 10 ngày.

Đối với bệnh nhân có viêm tinh hoàn, cần nghỉ ngơi tại giường khi tinh hoàn vẫn còn sưng, đau; cần thiết mặc quần lót để treo nhẹ tinh hoàn lên. Đối với nam giới có viêm tinh hoàn hoặc nữ giới bị viêm buồng trứng thì rất cần có ý kiến tư vấn của bác sĩ khám bệnh. Khi nghi ngờ có biến chứng, cần vào bệnh viện để được theo dõi chặt chẽ.

Để phòng lây bệnh, cần cách ly người bệnh với người lành. Người bệnh và người chăm sóc bệnh nhân cần đeo khẩu trang y tế đúng tiêu chuẩn để hạn chế đến mức tối đa vi rút lây sang người chăm sóc, từ đó chúng lây cho người lành khác.

Để phòng ngừa bệnh quai bị, khuyến cáo của ngành Y tế là nên tiêm ngừa để tạo cho cơ thể có đủ kháng thể chống lại vi rút quai bị. Tốt nhất là tiêm ngừa cho trẻ từ 12 tháng tuổi để trẻ được bảo vệ sớm nhất. Hiện tại, tất cả các Trung tâm Y tế dự phòng trong tỉnh đều có vắc xin ngừa bệnh quai bị dưới dạng kết hợp 3 trong 1 gồm sởi, quai bị và rubella; giá tiêm vắc xin này khoảng 300.000 đồng.

MAI HÀ

.
.
.