Chiều 2-10, Việt Nam thêm 1 ca mắc mới COVID-19, tổng số 1.096 ca
Tính đến 18 giờ ngày 2-10, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc mới COVID-19, là ca nhập cảnh đã được cách ly, nâng tổng số mắc lên 1.096 ca.
Kiểm soát dịch COVID-19 tại sân bay. Ảnh: TTXVN |
Ca bệnh 1096 (BN1096) tại Quảng Nam: Bệnh nhân nữ, 24 tuổi, có địa chỉ tại Cầu Tre, Hồ Sơn, Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Ngày 30-9-2020, bệnh nhân từ Nhật Bản (Tokyo) trên chuyến bay VN311 về Sân bay Đà Nẵng, được cách ly ngay sau nhập cảnh. Ngày 30-9, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm ngày 2-10 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 2-10, Việt Nam có tổng cộng 1.096 ca mắc COVID-19, trong đó có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 15.013 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 271 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 9.967 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 4.775 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 2-10, có thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là: BN1041, BN1043.
Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 1 ca, lần 2 là 2 ca, lần 3 là 4 ca.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.020 ca.
Trước tình hình dịch như hiện nay, Bộ Y tế vừa ra Chỉ thị số 21/CT-BYT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ Y tế nhận định tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới. Tại nước ta, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiều ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Mặc dù vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn thường trực, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan trong cộng đồng và tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở y tế vẫn còn tình trạng người nhập cảnh trái phép và có khả năng gây bùng phát dịch như tại Đà Nẵng trong thời gian vừa qua.
Để tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 thời gian tới, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan.
Đặc biệt, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chú trọng đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, nhất là tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường...
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện xét nghiệm COVID-19 theo quy định; xét nghiệm bệnh nhân có bất kỳ biểu hiện triệu chứng của bệnh, xét nghiệm bệnh nhân nặng, bệnh nhân nằm ở các khoa cấp cứu, thận nhân tạo, hồi sức tích cực, hô hấp...; xét nghiệm cho nhân viên y tế tại các khoa này, tránh việc lây nhiễm từ nhân viên y tế cho người bệnh.
Đồng thời, các đơn vị cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch xảy ra trên địa bàn; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch trong tình hình mới đối với các cơ quan, đơn vị, trường học và các địa điểm cần giám sát trên địa bàn; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bô Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các địa phương chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội; xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định.
(Theo https://baotintuc.vn/y-te/chieu-210-viet-nam-them-1-ca-mac-moi-covid19-tong-so-1096-ca-20201002180725920.htm)