.

Tiền Giang: Cộng đồng trách nhiệm trong phòng, chống HIV/AIDS

Cập nhật: 20:58, 30/11/2020 (GMT+7)

(ABO) Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có gần 3.700 trường hợp người nhiễm HIV được phát hiện, tăng trên 1.200 trường hợp so với năm 2015. Điều đáng lưu ý là hiện nay HIV không chỉ lây nhiễm trong nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao là người nghiện chích ma túy và gái mại dâm mà người mắc rất đa dạng ngành nghề.

THỰC TRẠNG DỊCH BỆNH HIV/AIDS TẠI TIỀN GIANG

Từ ca nhiễm HIV phát hiện đầu tiên tại huyện Cái Bè vào năm 1992, đến cuối quý 1 năm 2020, toàn tỉnh có 5.519 người nhiễm HIV được phát hiện (trong đó có 3.680 người có hộ khẩu trong tỉnh và 1.839 người ngoài tỉnh) với trên 70% người nhiễm HIV là nam giới.

Trong số người nhiễm HIV, có trên 1.700 người tiến triển sang AIDS và gần 1.200 người trong số này đã tử vong do AIDS. TP. Mỹ Tho là địa phương có số người nhiễm HIV được phát hiện cao nhất tỉnh, với gần 830 người, chiếm 22,5% những người nhiễm HIV được phát hiện. Theo thông tin từ ngành Y tế tỉnh Tiền Giang, hiện nay cả tỉnh chỉ còn duy nhất xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước là chưa phát hiện người nhiễm HIV.

Truyền thông về vai trò của việc xét nghiệm tầm soát HIV cho người dân
Truyền thông về vai trò của việc xét nghiệm tầm soát HIV cho người dân.

Trong các nguyên nhân lây nhiễm HIV thì nhiễm HIV qua đường tình dục là nguyên nhân chiếm đa số các ca mắc, với 95,86%; lây truyền qua đường máu mà chủ yếu là do tiêm chích ma túy chiếm 2,07% và lây truyền từ mẹ sang con chiếm 1,49%; còn lại 0,58% người nhiễm bệnh nhưng không rõ nguyên nhân.

Người nhiễm HIV hiện nay không chỉ dừng lại trong đối tượng người có hành vi nguy cơ cao như gái mại dâm và người tiêm chích ma túy mà rất đa dạng ngành nghề, có cả người lao động tự do, công nhân, nông dân và có xuất hiện cả trong đối tượng là công an, bộ đội, nhân viên hành chính, học sinh, sinh viên…

Đặc biệt là HIV xuất hiện đáng báo động trong nhóm người có quan hệ tình dục đồng tính. Tỷ lệ này vào cuối năm 2005 là 0,44%, đến 2010 là 2,7% và đến tháng 6-2020 đã tăng lên mức 13,3%. Điều này cũng phù hợp về hình thái lây nhiễm, khi lây nhiễm qua đường tình dục tăng đã làm đa dạng hơn về ngành nghề của người nhiễm và nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng sẽ cao hơn.

Theo đánh giá của ngành Y tế, tình hình phát hiện ca nhiễm HIV/AIDS năm 2020 cho thấy, HIV/AIDS trên địa bàn Tiền Giang chưa có xu hướng giảm. Số người nhiễm HIV mới phát hiện tăng so với chu kỳ 5 năm. Cụ thể trong 23 năm, từ năm 1992 đến năm 2015, toàn tỉnh ghi nhận 2.473 người nhiễm HIV, tổng số người nhiễm HIV đến tháng 6-2020 là 3.680 ca. Như vậy, số người nhiễm HIV của Tiền Giang đã tăng 1.207 người chỉ trong 5 năm 2015 - 2020.

Tuy số người nhiễm HIV tăng nhưng số người chuyễn sang giai đoạn AIDS đã giảm đáng kể. Giai đoạn 2010 - 2015 có 556 người bệnh AIDS thì giai đoạn 2015 - 2020 chỉ ghi nhận 221 người, tức giảm 310 người. Điều này cho thấy hiệu quả của việc quản lý người bệnh, phát hiện và đưa vao điều trị sớm các trường hợp mắc bệnh HIV/AIDS.

CỘNG ĐỒNG TRÁCH NHIỆM

Công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới được tỉnh Tiền Giang quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện. Từ Chỉ thị 54 của Ban Bí thư khóa IX về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV trong tình hình mới, 15 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cộng đồng trong tỉnh đã triển khai thực hiện tốt. Chỉ thị 54 của Ban Bí thư đã được triển khai sâu rộng đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân. Từ tỉnh đến cơ sở đã thành lập, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS.

Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiểm họa của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đối với nhân loại và tác hại của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó dần tạo nên được sự chung sức, đồng lòng thực hiện các giải pháp, hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu tác hại và hậu quả của dịch bệnh HIV/AIDS. Đặc biệt, qua truyền thông đã góp phần đả thông tư tưởng, giảm dần và từng bước xóa bỏ sự kỳ thị, giúp cộng đồng có cư xử đúng mực đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Hoạt động khám và điều trị cho người nhiễm HIV trong tỉnh có sự tiến bộ đáng kể. Trên 90% bệnh nhân AIDS được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV). Số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, hiện nay, 100% phụ nữ nhiễm HIV tại Tiền Giang được điều trị ARV để giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con; 100% trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm IHIV được xét nghiệm sớm vi rút học trong vòng 2 tháng sau sinh; 100% người nhiễm HIV được chăm sóc và hỗ trợ điều trị tại cộng đồng. Hoạt động khám và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục đã góp phần đáng kể giảm thiểu nguy cơ bị lây truyền HIV cho đối tượng có nguy cơ cao.

Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (bên phải) trao thuốc ARV từ quỹ BHYT cho bệnh nhân
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang (bên phải) trao thuốc ARV từ Quỹ BHYT cho bệnh nhân.

Từ năm 2019, bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức thanh toán chi phí điều trị cho người nhiễm HIV như những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính khác. Đây là cơ hội để người nhiễm HIV được điều trị sau khi các nguồn thuốc ARV viện trợ chấm dứt. Hiện nay, trên 91% bệnh nhân AIDS trong tỉnh Tiền Giang có thẻ BHYT.

Đặc biệt, với Kế hoạch 154 của UBND tỉnh Tiền Giang, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng ký ban hành vào tháng 6 vừa qua thì Tiền Giang đang tiếp tục nỗ lực để loại trừ HIV lây truyền từ mẹ sang con vào năm 2030. Theo kế hoạch này, các sở, ngành và địa phương tiến hành rà soát, cập nhật mới các chính sách, pháp luật, hướng dẫn, quy trình chuyên môn, cơ chế phối hợp giữa các chương trình, đơn vị để tiến tới loại trừ HIV. Đồng thời, đảm bảo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ can thiệp loại trừ lây truyền HIV một cách liên tục và có chất lượng.

THỦY HÀ

 

.
.
.