Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính
Một trong những giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới.
Điều này thể hiện rõ trong việc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã chọn chủ đề của Chiến dịch Truyền thông giảm thiểu MCBGTKS năm 2020 là: “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu MCBGTKS”. Chiến dịch này diễn ra trên địa bàn tỉnh trong trung tuần tháng 10 vừa qua với nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng không lựa chọn giới tính khi sinh với các thông điệp: “Con trai hay con gái đều là niềm vui hạnh phúc của mỗi gia đình”, “Hãy để việc sinh con trai hay con gái theo quy luật tự nhiên”…
Thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái. |
Ở Việt Nam từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái, 10 năm sau đến cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tỷ số này là 110,5 bé trai/100 bé gái và tăng lên 113,8 bé trai/100 bé gái vào năm 2013, đến năm 2019 tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao là 111,5 bé trai/100 bé gái. MCBGTKS có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng, cả nông thôn, thành thị và tại tất cả các vùng miền.
Cả nước đã có 55/63 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái. Riêng tại Tiền Giang, theo kết quả thống kê, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh năm 2014 là 109,6 bé trai/100 bé gái; đến 9 tháng năm 2020, tỷ số này của tỉnh đã giảm còn 108,88 bé trai/100 bé gái nhưng vẫn ở mức cao. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3 đến 4,3 triệu phụ nữ. Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng.
Hiện nay, bất bình đẳng giới vẫn đang diễn ra từ gia đình đến cộng đồng và được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng MCBGTKS. Có thể nói, giữa bất bình đẳng giới và tình trạng MCBGTKS có mối quan hệ quyết định đến nhau. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng MCBGTKS, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng MCBGTKS đó là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai.
Vì vậy, một trong những giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng MCBGTKS là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới. Cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.
Để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu MCBGTKS, ngành Dân số tỉnh mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến địa phương và mọi tầng lớp nhân dân, nhằm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong triển khai thực hiện Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới để can thiệp một cách có hiệu quả, góp phần kiểm soát và giảm thiểu tình trạng MCBGTKS trong thời gian tới. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết MCBGTKS, nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, tư vấn, cung cấp dịch vụ lựa chọn, xác định giới tính trước khi sinh trong các cơ sở y tế, tại cộng đồng và trong toàn xã hội.
H. NGHỊ