.

Mở rộng xét nghiệm ngăn virus biến thể

Cập nhật: 21:00, 10/01/2021 (GMT+7)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu vực Lô E, Lò Gốm (phường 7, quận 6, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: ĐINH HẰNG
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu vực Lô E, Lò Gốm (phường 7, quận 6, TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: ĐINH HẰNG

Tại Việt Nam đã xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 từ Anh, có nguy cơ làm tăng tốc độ lây truyền lên 70%. Để cả nước đón một cái Tết Nguyên đán 2021 an lành, cơ quan chức năng cần có thêm phương án, kịch bản chống dịch Covid-19, mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ.

Lo ngại chủng virus biến đổi lây lan 

Liên quan bệnh nhân 1.435 (nữ, quê Trà Vinh, trở về từ Anh) mang chủng SARS-CoV-2 đột biến, các chuyên gia y tế cho rằng, ca bệnh không gây nguy hiểm cho cộng đồng vì được cách ly tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh cận Tết Nguyên đán, biến chủng mới gây lo ngại sẽ khiến công tác kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, trên thực tế, các loại virus gây bệnh truyền nhiễm luôn đột biến theo thời gian, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp, cho nên SARS-CoV-2 biến chủng là điều dễ hiểu. Biến chủng mới của SARS-CoV-2 là dấu hiệu cho thấy, chúng đang dần thuần hơn, thích nghi với con người.

“Loại biến chủng này lây lan nhiều hơn trước kia. Tuy nhiên, cho tới nay, vẫn chưa thể biết được virus này có gây ra bệnh nặng hơn hay không, còn khả năng lây nhanh là điều rõ ràng. Vì thế, càng chậm phát hiện ca mới trong cộng đồng càng khó chặn và càng tốn công khoanh vùng, cách ly và vùng cách ly càng rộng. Điểm cốt yếu là cần chặn virus lọt ra cộng đồng”, BS Khanh nói.

Nhận định về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam khi Tết truyền thống đang cận kề, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu cảnh báo: Hiện nay chúng ta không có ca mắc trong cộng đồng, nhưng ngành Y tế luôn xác định, nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài vào rất lớn, cả từ người nhập cảnh hợp pháp và người nhập cảnh trái phép.Với người nhập cảnh hợp pháp, nếu họ không tuân thủ đúng quy định cách ly, dịch sẽ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, hoặc lọt ra cộng đồng. Đặc biệt là những người cách ly tại nhà, tại khách sạn, nếu không được giám sát chặt chẽ, người cách ly không tuân thủ thì rất dễ lây bệnh cho người chung quanh.

Còn người nhập cảnh trái phép, chỉ cần một người mang mầm bệnh vào cộng đồng mà chúng ta không biết thì rất nguy hiểm. Nhất là người mang mầm bệnh tiếp xúc với nhiều người, rất dễ lây lan theo cấp số nhân, cuối cùng là dịch bùng phát. Đến lúc đó, hệ thống y tế phải chạy theo để điều tra dịch tễ, truy vết rất vất vả, công tác khoanh vùng cũng rất khó khăn. Đây là hậu quả khôn lường nếu mầm bệnh lây lan vào cơ sở y tế, nơi có nhiều bệnh nhân nặng điều trị.

“Nhóm người nhập cảnh trái phép vào nước ta vừa qua là một cảnh báo sâu sắc để chúng ta phải tăng cường phát hiện, ngăn chặn và kiểm soát người nhập cảnh trái phép lên cấp độ cao hơn. Hệ thống y tế, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo chống dịch của nhiều tỉnh, thành phố trong những ngày qua phải huy động nhân lực, tiền của vào truy vết, chống dịch, chưa kể còn liên lụy đến bao nhiêu người trong cộng đồng phải cách ly”, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Xét nghiệm chỉ định trường hợp nghi ngờ

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gần đây tại các tỉnh, thành phố phía nam, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, các ca bệnh gần đây cơ bản là đã phát hiện được nguồn lây nhiễm (F0) và các trường hợp tiếp xúc gần (F1), (F2) để tiến hành cách ly, khoanh vùng và dập dịch. Song cần tiếp tục tiến hành truy vết để phát hiện các trường hợp nghi ngờ lây nhiễm nếu còn, xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định đối với tất cả các trường hợp nghi ngờ nhằm tìm ra những trường hợp có thể bị lây bệnh.

“Chúng ta không thể chủ quan vì có thể có những ổ dịch khác xâm nhập từ nước ngoài vào trước đó mà không biết, vẫn có khả năng lây lan vì người nhiễm Covid-19 có những trường hợp không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ trong cộng đồng mà người nhiễm không đến cơ sở y tế để xét nghiệm nên chúng ta không phát hiện được và có khả năng lây lan”, ông Phu lo ngại.

Để phòng bệnh do chủng SARS-CoV-2 mới, nhiều chuyên gia đề xuất ý kiến, cần triển khai xét nghiệm Covid-19 diện rộng với trường hợp nghi ngờ, và xét nghiệm theo hộ gia đình tại khu dân cư có ca nhiễm mới, như cách đã kiểm soát tại Hà Nội, hay Đà Nẵng trước đây. Theo đó, người được xét nghiệm là cá nhân đại diện cho từng hộ gia đình chưa được xét nghiệm tại các khu dân cư, là chủ hộ hoặc đại diện hộ gia đình, là người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất trong hộ gia đình (người có nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây; người có tiếp xúc với nhiều người trong xã hội; hộ có công nhân, sinh viên thuê trọ; hộ có đông nhân khẩu...).

Đối với người có biểu hiện ho, sốt, đau họng, khó thở, mệt mỏi, đau người, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; hoặc viêm phổi trong 14 ngày ở khu dân cư có ca bệnh từng phát hiện nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm... sẽ không lấy mẫu tại điểm tập trung mà phải được đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để lấy mẫu xét nghiệm ngay.

Từ nay tới Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, thăm thân của người dân tăng cao, bên cạnh trong nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng, công tác phòng, chống dịch được yêu cầu đặt trong tình trạng nghiêm ngặt với mức độ an toàn cao nhất. Xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng, với số lượng lớn nhất có thể, sẽ hạn chế bỏ sót các ca nhiễm, từ đó người nhiễm bệnh sẽ có ý thức đề phòng, tránh làm lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.

(Theo nhandan.com.vn)

.
.
.