.

Bộ Y tế đảm bảo không thiếu hụt vaccine ngừa Covid-19

Cập nhật: 15:28, 24/02/2021 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo đề xuất với Chính phủ về tiến độ mua vaccine trong năm nay. Theo đó Quý I-2021 là 1,3 triệu liều; Quý II-2021 là 9,5 triệu; Quý III-2021 là 25,9 triệu và Quý IV-2021 là 51,1 triệu. Như vậy, nếu theo phương án này thì năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine, đảm bảo tiêm cho mọi người dân.

Ngày 24-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 để nghe tình hình kiểm soát dịch bệnh, phương hướng xử lý trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp về Covid-19 ngày 24-2. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp về Covid-19 ngày 24-2. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng đánh giá, các địa phương đã quyết liệt trong phòng, chống Covid-19 và đạt kết quả tích cực, trong đó có việc kịp thời giải quyết việc lưu thông hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân Hải Dương. Với việc dịch dần được kiểm soát, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần có đề xuất để sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh với tinh thần thực hiện mục tiêu kép.

Vừa qua, chúng ta đã giải quyết một phần số nông sản ở Hải Dương, các địa phương, trong đó có Hà Nội đã có động thái tốt để tiêu thụ nông sản của Hải Dương. “Có vấn đề gì các đồng chí phản ánh, thậm chí có những địa phương khó khăn về tài chính ngân sách thì báo cáo cho Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng nói.

Một vấn đề khác cần bàn tại cuộc họp là vấn đề vaccine khi mà một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới việc số ca mắc Covid-19 trên thế giới thời gian qua giảm là có vaccine. Đến nay, Chính phủ, Bộ Y tế đã báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã có kết luận về việc mua vaccine bằng nguồn ngân sách và các nguồn hợp pháp khác với yêu cầu làm công khai, minh bạch, kịp thời. Đây cũng là mong mỏi của dư luận xã hội, của nhân dân. Chúng ta cũng công bố đối tượng ưu tiên và thời điểm bắt đầu tiêm cũng như lần lượt đối với các đối tượng khác.

Thủ tướng cũng lưu ý, dù có vaccine cũng cần chú ý công tác phòng bệnh, chữa bệnh với "Thông điệp 5K", không phải vì vaccine mà chúng ta chủ quan vấn đề này.

Thường trực Chính phủ sẽ nghe kiến nghị của các địa phương để có quyết sách cụ thể đối với một số vấn đề để sớm mở cửa nền kinh tế trên cơ sở không chủ quan với dịch bệnh. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép tốt hơn khi bây giờ là cuối tháng 2, bên cạnh kiểm soát tốt dịch bệnh, việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh rất quan trọng, nếu không nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VGP

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch đã được kiểm soát tốt, 11/13 tỉnh, thành phố đã gần hai tuần không có ca mắc mới. Đối với việc giải trình tự gen chủng virus của ca người Nhật Bản tử vong và mắc Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đây là chủng 20C, lần đầu phát hiện tại Việt Nam. Chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Srilanka, Ấn Độ nhưng lại không có tại Nhật Bản, quê hương của ca bệnh người Nhật. Chủng này có tốc độ lây nhiễm không cao, nhưng chưa rõ ràng về mức độ tăng nặng.

Còn tại TP Hải Dương, Bộ đã phát hiện một mẫu xét nghiệm là chủng của Nam Phi. Bộ sẽ cho xét nghiệm trên diện rộng để trả lời câu hỏi: tại sao lại có chủng này tại Hải Dương?

Về việc nhập khẩu vaccine Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo đề xuất với Chính phủ về tiến độ mua vaccine trong năm nay. Theo đó Quý I-2021 là 1,3 triệu liều; Quý II-2021 là 9,5 triệu; Quý III-2021 là 25,9 triệu và Quý IV-2021 là 51,1 triệu.

Như vậy, nếu theo phương án này thì năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine, đảm bảo tiêm cho mọi người dân.

Ngay trong sáng 24-2, đã có 117.000 liều vaccine đầu tiên mua của hãng Astra Zeneca về đến TPHCM.

Hơn 117.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã về đến Việt Nam. Ảnh: VGP
Hơn 117.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã về đến Việt Nam. Ảnh: VGP

Về nguồn vaccine, Bộ Y tế đã làm việc với một số hãng để nhập khẩu.

Theo đó, nguồn thứ nhất là COVAX có thể cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm nay.

Nguồn thứ hai là nhập khẩu của Astra Zeneca với số lượng 30 triệu liều.

Nguồn thứ ba là của Nhà sản xuất Pfizer, hãng có thể cung cấp cho nước ta 30 triệu liều trong năm nay. Tuy nhiên, vaccine này phải bảo quản ở nhiệt độ -75 °C và phải tiêm 5 ngày sau khi rã đông. Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy họ phải hủy 50% số vaccine do yêu cầu nghiêm ngặt về bảo quản, vận chuyển, rã đông, trong khi nước ta thiếu hệ thống bảo quản lạnh -75 °C.

Với vaccine của Nga, thông tin ban đầu cho thấy hãng của Nga có thể cung cấp tới 60 triệu liều cho Việt Nam.

Với phương châm huy động xã hội cũng tham gia vào việc cung ứng vaccine, nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý có tình trạng lừa đảo, bởi một số công ty giả danh đại diện cho nhà sản xuất để rao bán vaccine. Các đơn vị của Việt Nam nếu muốn tham gia vào nhập khẩu cung ứng phải hết sức lưu ý, không nên mua qua trung gian mà nên mua trực tiếp từ nhà sản xuất.

Chính phủ họp về phòng chống Covid-19 sáng 24-2. Ảnh: VIẾT CHUNG
Chính phủ họp về phòng chống Covid-19 sáng 24-2. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, với lộ trình đã tính toán, sẽ đảm bảo không có chuyện thiếu hụt vaccine. Vì vậy, quan trọng nhất lúc này là Bộ Y tế nỗ lực triển khai tiêm. Lần này triển khai sẽ là quy mô tiêm lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ đang cấp tập chuẩn bị kịch bản tiêm với phương châm huy động tất cả những đơn vị cả trong và ngoài ngành y tế, các đơn vị quân đội, công an và các lực lượng khác tham gia vào tiến trình này để đẩy nhanh tiến trình tiêm, đảm bảo độ bao phủ.

“Chúng ta càng bao phủ nhanh càng tốt để mở cửa được nền kinh tế. Đối với vaccine của nội thì đang theo tiến độ và đến năm 2022 thì chúng ta sẽ có vaccine"- Bộ trưởng nói.

Từ ngày 25-1-2021 đến 16 giờ ngày 23-2, đã ghi nhận 809 trường hợp mắc trong nước tại 13 tỉnh, thành phố. Trong đó tất cả 12 tỉnh, thành phố đều có ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương (là người trở về từ Hải Dương hoặc tiếp xúc với F0).

Tổng số tích lũy trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 của Việt Nam là 2.401, trong đó có 1.469 ca trong nước. Đến nay có 1.717 trường hợp khỏi bệnh, ra viện (chiếm 70%), đang điều trị 640 trường hợp (chiếm 29,5%); hầu hết các bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng (chiếm 82,5%), biểu hiện lâm sàng nhẹ chiếm 14,7% và 19 trường hợp (2,7%) tiên lượng nặng, nguy kịch.

10 tỉnh, thành phố nhiều ngày qua không ghi nhận ca mắc mới, gồm: Hòa Bình (25 ngày), Điện Biên (20 ngày), Hà Giang (20 ngày), Bình Dương (19 ngày), Hưng Yên (17 ngày), Bắc Giang (15 ngày), Gia Lai (14 ngày), Bắc Ninh (13 ngày), TPHCM (12 ngày) và Hà Nội (9 ngày).

Riêng tại Hải Dương, tính đến nay đã qua 8 ngày giãn cách xã hội toàn tỉnh (từ ngày 16-2), 4 ngày gần đây số ca mắc mới trong ngày đã có dấu hiệu giảm (trung bình 9 ca/ngày); hầu hết các trường hợp này là F1 và đã được cách ly tập trung từ trước. Số ca dương tính giảm rõ rệt trong khu cách ly và khu phong tỏa.

Trong 5 ổ dịch chính, 2 ổ dịch tại Kinh Môn và Nam Sách cơ bản đã được khống chế khi trong mấy ngày vừa qua chỉ rải rác 1 đến 2 ca trong ngày; ổ dịch tại Chí Linh và Cẩm Giàng đã có dấu hiệu khả quan hơn khi 3 ngày gần đấy số ca trong ngày đã giảm xuống dưới 5 ca; ổ dịch tại TP Hải Dương cần tiếp tục theo dõi sát khi ghi nhận ca bệnh trong cùng một gia đình được phát hiện thông qua giám sát triệu chứng.

Đối với ổ dịch thứ 6, ổ dịch mới tại xã Kim Liên, huyện Kim Thành, đến nay đã ghi nhận 13 ca mắc mới, xuất phát từ 1 trường hợp dương tính đầu tiên được phát hiện thông qua rà soát, sàng lọc tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành.


(Theo www.sggp.org.vn)


 

.
.
.