.
BÁC SĨ CHUYÊN KHOA 2 LÊ ĐĂNG NGẠN, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH TIỀN GIANG:

Có vắc xin vẫn cần thực hiện thông điệp 5K

Cập nhật: 10:19, 10/03/2021 (GMT+7)

Bộ Y tế đang triển khai tiêm vắc xin Covid-19, ưu tiên cho 13 địa phương nguy cơ cao, có ca lây nhiễm tiêm trước. Khi chưa có đủ vắc xin phục vụ đại trà nhu cầu của người dân cũng như trong giai đoạn có đầy đủ vắc xin thì việc vệ sinh phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế vẫn hết sức cần thiết. Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc về vấn đề này.

 

* PV: Xin bác sĩ cho biết, hiệu quả phòng bệnh của vắc xin ngừa Covid-19 nước ta đang triển khai tiêm phòng?

* Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Đăng Ngạn: Thông tin từ Bộ Y tế, lô vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên đang tiêm tại Việt Nam do AstraZeneca sản xuất chỉ có hạn sử dụng trong 6 tháng, chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. Việc tiêm vắc xin không thể bảo đảm phòng bệnh 100%. Theo thông tin của nhà sản xuất, hiệu quả bảo vệ của vắc xin Astrazeneca là 76% mũi 1 và 81% khi tiêm đủ 2 mũi. Những số liệu này cũng cần được kiểm nghiệm ngoài thực tiễn.

Việt Nam đang đề nghị COVAX (Giải pháp tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 toàn cầu) vận chuyển sớm cho nước ta 1,3 triệu vắc xin, dự kiến sẽ có thêm trong tháng này. Tháng 4 và 5 số vắc xin tiếp tục tăng dần. Sau đợt tiêm cho nhóm ưu tiên từ ngày 8-3, vắc xin Covid-19 tiêm cho người dân theo thứ tự ưu tiên sẽ được triển khai ngay khi có các lô vắc xin Covid-19 về bổ sung. Ước có hơn 100 triệu liều được tiếp nhận, tiêm tại Việt Nam trong năm nay.

* PV: Với số lượng vắc xin nhập về có giới hạn, đối tượng nào sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trước tiên?

* Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Đăng Ngạn: Theo hướng dẫn vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, có 11 nhóm đối tượng ưu tiên được sắp xếp tiêm vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 - 2022 do COVAX hỗ trợ. Theo đó, các nhóm đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 được sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vắc xin cung cấp hạn chế tại Việt Nam.

Cụ thể, 11 nhóm đối tượng bao gồm: Nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng, chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng Quân đội; lực lượng Công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài và người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ. Theo kế hoạch tiêm chủng của Bộ Y tế, CDC đang thực hiện thống kê số lượng các nhóm đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin tại Tiền Giang.

Xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 trong nhóm công dân về từ nước ngoài để chủ động phòng, chống dịch Covid-19.
Xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 trong nhóm công dân về từ nước ngoài để chủ động phòng, chống dịch Covid-19.

* PV: Theo bác sĩ, trong điều kiện vắc xin chưa đủ phục vụ nhu cầu đại trà của người dân như hiện nay và kể cả khi có đủ vắc xin thì việc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế có vai trò như thế nào trong công tác phòng, chống dịch?

 * Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Đăng Ngạn: Như đã nêu ở trên, không có vắc xin nào cho hiệu quả bảo vệ 100% đối với người tiêm. Vắc xin ngừa Coid-19 đang được triển khai tiêm tại nước ta cũng vậy. Thêm nữa, sau tiêm vắc xin phải có thời gian để vắc xin phát huy tác dụng phòng bệnh. Do đó, việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng dịch theo 5K trong giai đoạn chưa có đủ vắc xin, kể cả lúc có đủ vắc xin phục vụ đại trà nhu cầu của người dân vẫn đều vô cùng cần thiết.

Tiền Giang ghi nhận 1 ca nhiễm Covid-19 là người nhập cảnh

Sáng 9-3, Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh vừa phản hồi: Tiền Giang có 1 mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Đây là công dân Việt Nam về từ Malaysia, nhập cảnh tại sân bay Cần Thơ và đã được đưa đến cách ly y tế tập trung tại khu cách ly Tiểu đoàn Ấp Bắc, Trung đoàn Bộ binh 924 (Trường Quân sự địa phương cũ) ngay sau khi nhập cảnh vào tối 6-3.

Ngày 8-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang đã lấy mẫu lần 1 đối với toàn bộ 220 công dân chuyển Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm SARS-CoV-2. Kết quả, có 1 ca dương tính và 219 ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Ngay sau khi nhận kết quả từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, ca dương tính với SARS-CoV-2 đã được chuyển đến Bệnh viện dã chiến điều trị; đồng thời, 8 trường hợp F1 của ca nhiễm này cũng được chuyển đến theo dõi sức khỏe tại bệnh viện này. Đến nay, tình hình sức khỏe của ca nhiễm SARS-CoV-2 và 219 công dân còn lại đều ổn định, không ghi nhận diễn biến bất thường.

Đây là lần thứ 2 Tiền Giang tiếp nhận cách ly y tế công dân về từ Malaysia và là lần thứ 14 tiếp nhận cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với công dân về từ nước ngoài. Trong 13 đợt cách ly tập trung gần 3.100 công dân về từ nước ngoài trước đó, Tiền Giang thực hiện tốt công tác cách ly, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và chăm sóc tốt sức khỏe người dân; trong số này có 5 trường hợp nhiễm Covid-19 được phát hiện và đã điều trị khỏi bệnh.

Trước đây, khi chưa có vắc xin, chúng ta vẫn đang chống dịch tốt, vì vậy thời gian tới cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch chủ động. Trên tinh thần cảnh giác trước nguy cơ mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng, các lực lượng phải tập trung phát hiện sớm, truy vết nhanh, khoanh thật gọn.

Mọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên Bản đồ chống dịch (antoanCovid.vn). Đây là những biện pháp phòng, chống dịch căn bản, bảo đảm an toàn dịch bệnh lâu dài.

* PV: Xin bác sĩ thông tin thêm, bên cạnh vắc xin nhập từ nước ngoài, việc phát triển vắc xin trong nước sản xuất như thế nào; và Tiền Giang bao giờ được thử nghiệm vắc xin này?

* Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Đăng Ngạn: Vắc xin Covid-19 là nỗ lực của các nhà nghiên cứu trên toàn cầu. Trong lịch sử phát triển vắc xin thì đây là vắc xin phát triển nhanh nhất, ra đời nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất, chưa đủ thời gian đánh giá đầy đủ về khả năng bảo vệ của vắc xin này với người được tiêm, nên cần thêm thời gian theo dõi, đánh giá đầy đủ hiệu quả của vắc xin. Do đó, song song với việc nhập khẩu vắc xin, Việt Nam đang nghiên cứu phát triển vắc xin Covid-19 nội địa để đảm bảo an ninh y tế vắc xin.

Hiện tại, vắc xin Covid-19 nội địa đang tiến hành nghiên cứu giai đoạn 2, Long An là tỉnh tham gia giai đoạn này. Theo kế hoạch, Tiền Giang sẽ tham gia giai đoạn 3 thử nghiệm vắc xin Covid-19 nội địa, dự kiến vào cuối năm 2021.  

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.