Đắp lá cây lên vành tai, coi chừng nhiễm trùng nặng
Bé Hoàng Đăng P., 14 tháng tuổi, ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, được mẹ đưa đến cơ sở khám bệnh vì tai phải bị sưng tấy 3 ngày mà không hết. Theo mẹ của bé P., mới đầu, trước vành tai bé chỉ nổi vài mụn nước màu đỏ, nghe theo lời người quen hái một loại cây cỏ mọc ngoài ruộng về đâm nát rồi thoa lên các mụn nước sẽ mau hết, không ngờ thoa vài bữa các mụn nước màu đỏ càng nổi lan rộng nên đưa bé P. tới khám bác sĩ.
Vành tai bé P. bị nhiễm trùng nặng do đắp lá cây. |
Bác sĩ khám thấy vùng tai phía trước của bé P. bị sưng, chảy nước vàng, có một số mụn mủ lan ra phía mặt và lên cả gờ tai ngoài cùng. Bác sĩ nói với mẹ bé P., hiện bé đã bị nhiễm trùng tai ngoài, may mắn là chưa ảnh hưởng ở bên trong, nên bác sĩ cho thuốc uống, nước sát khuẩn ngoài da và cần phải chăm sóc giữ vệ sinh tốt cho bé.
Về chuyên môn vành tai còn gọi là loa tai, một cơ quan đón nhận và hứng âm thanh, giúp con người nghe, phán đoán định hướng nơi phát ra âm thanh, tiếng động. Loa tai cấu tạo đơn giản chỉ có da, sụn, lớp mỡ ít, tuyến mồ hôi, tuyến bã dưới chân lông vành tai. Loa tai được gắn vào hai bên đầu bởi các dây chằng và sợi cơ. Loa tai được nuôi dưỡng bởi 2 nguồn mạch máu. Động mạch thái dương nông cung cấp máu cho dái tai và mặt trước của loa tai.
Động mạch vành tai sau cung cấp máu cho phần lớn mặt sau vành tai. Mạch máu nuôi chạy đến loa tai ít và kích thước nhỏ, vì thế sự cung cấp máu ở loa tai so với toàn thân không nhiều. Nếu loa tai bị tổn thương, chất dinh dưỡng và thuốc rất khó qua đường máu đến vùng đó. Đây chính là cơ hội tốt cho vi trùng tự do xâm nhập và phát triển. Lớp sụn giúp cho vành tai giữ nguyên hình dạng như một cái loa xoắn ốc xinh xắn, cân đối hai bên đầu. Nếu sụn bị tổn thương do nhiễm trùng hoặc chấn thương thì vành tai sẽ biến dạng, co rúm, méo lệch, rất khó phục hồi.
Lúc này là mùa nóng nực, da vành tai trẻ mỏng manh nên dễ tổn thương khi ra nắng. Không khí oi bức khiến cơ thể trẻ tiết nhiều mồ hôi, nếu gặp bụi bậm xung quanh bám vào, làm bít tắc các tuyến mồ hôi, tuyến bã ở vành tai cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên cho trẻ đội mũ rộng vành khi ra nắng. Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, chú ý giữ vành tai cho sạch và khô, nhất là ở kẽ sau vành tai. Khi vành tai trẻ bị trầy xước, phụ huynh cần sát trùng cẩn thận để tránh tình trạng vi khuẩn xâm nhập.
Không nên dùng các loại lá cây đắp lên chỗ nhiễm trùng ở tai, vì lá cây không sạch có thể chứa vi trùng, thuốc bảo vệ thực vật, vi nấm. Khi thấy có hiện tượng một vùng da vành tai bị sưng đỏ thì phải đến cơ sở y tế khám để được điều trị kịp thời, không được nhéo tai bé vì sẽ dễ làm chấn thương sụn tai. Đặc biệt khi xỏ lỗ tai cho các bé gái cần giữ vệ sinh thật kỹ.
BS NGUYỄN THÀNH ÚC