.

Thầy thuốc "quân hàm xanh": Góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân - dân

Cập nhật: 06:50, 04/03/2021 (GMT+7)

“Các y, bác sĩ ở đây phục vụ tốt lắm, có bệnh nhân đến phòng khám là phục vụ khám, chữa bệnh (KCB), bất kể giờ giấc. Nhiều lúc có ca bệnh nặng, không thể đến Trạm xá quân - dân y của Đồn Biên phòng Phú Tân (thuộc Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Tiền Giang) thì gọi điện thoại là các anh vác túi đồ nghề đến tận nhà KCB cho người dân, bất kể ngày hay đêm” - ông Lê Văn Nhị, ngụ ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông cho biết.

MÔ HÌNH HIỆU QUẢ

Những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP  Tiền Giang đã triển khai mô hình KCB kết hợp quân - dân y của đồn biên phòng tại các địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, Trạm xá quân - dân y của Đồn Biên phòng Phú Tân được xây dựng kiên cố, khang trang với 2 phòng, trong đó có 1 phòng chức năng được lắp đặt các thiết bị y tế phục vụ cho việc KCB và 1 phòng phục vụ cho việc ăn, ở của các thầy thuốc “Quân hàm xanh” của đơn vị.

Các y, bác sĩ Trạm xá quân - dân y của Đồn Biên phòng Phú Tân khám, chữa bệnh cho người dân.
Các y, bác sĩ Trạm xá quân - dân y của Đồn Biên phòng Phú Tân khám, chữa bệnh cho người dân.

Ngoài việc phục vụ KCB cho CB-CS trong đơn vị, trạm xá còn chịu trách nhiệm thăm, khám bệnh cho người dân 2 xã Phú Tân và Phú Đông của huyện Tân Phú Đông và phối hợp với chính quyền địa phương, y, bác sĩ các trạm y tế phục vụ  KCB, cấp thuốc miễn miễn phí cho gia đình chính sách, người già neo đơn, trẻ em khuyết tật…

Thiếu tá Trần Công Triều, nhân viên quân y Trạm xá quân - dân y Đồn Biên phòng Phú Tân cho biết, trước đây người dân chưa có ý thức về chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình, nên lượt người đến khám tại trạm xá còn ít. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, qua  tuyên truyền thường xuyên của BĐBP và các bác sĩ tăng cường của các trạm y tế xã, người dân đã biết bảo vệ sức khỏe của mình, có bệnh là đến ngay trạm xá để được điều trị. Chỉ tính trong năm 2020, trạm xá đã tiếp nhận 1.105 lượt bệnh nhân đến KCB, trong đó có 230 bệnh nhận được điều trị bằng y học cổ truyền.

GẮN KẾT TÌNH QUÂN - DÂN

Với đặc trưng của vùng ven biển, người dân địa phương thường đi khám bệnh rất sớm, nên hằng ngày nhân viên Trạm xá phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc khám, điều trị ngay sau khi kẻng báo thức của đơn vị. Từng cử chỉ ân cần, dặn dò chu đáo về cách sử dụng thuốc, chế độ sinh hoạt… để sao cho mau lành bệnh của những người thầy thuốc “Quân hàm xanh” ở trạm xá đã làm cho bệnh nhân an tâm, tin tưởng.
Ông Lê Văn Nhị, ngụ ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, cho biết: “Tôi mắc bệnh viêm khớp, đến điều trị bằng châm cứu tại Trạm xá quân - dân y của Đồn Biên phòng Phú Tân hơn 1 tháng qua, đã  bớt nhiều lắm, đi đứng đỡ đau. Các bác sĩ ở trạm xá không chỉ tận tâm, “mát tay” trong KCB, mà còn ân cần thăm hỏi đời sống hằng ngày của gia đình tôi…”.

Trong những năm qua, Trạm xá quân - dân y của Đồn Biên phòng Phú Tân đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ KCB cho
CB-CS trong đơn vị và nhân dân trên địa bàn phụ trách. Nhiều ca bệnh nặng đã được đội ngũ y, bác sĩ đơn vị điều trị thành công. Ngoài ra, trạm xá còn kết hợp các đoàn y, bác sĩ tổ chức khám và phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn nhân các dịp lễ, tết. Hoạt động của trạm xá ngày càng tạo được niềm tin trong nhân dân về tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh".

THIẾU TÁ NGUYỄN VĂN HIỆP, CHÍNH TRỊ VIÊN, PHÓ TRƯỞNG ĐỒN BIÊN PHÒNG PHÚ TÂN.

Theo bà Nguyễn Thị Ba, 80 tuổi, ngụ ấp Pháo Đài, xã Phú Tân: “Do tôi cao tuổi, việc đi lại khó khăn, đã được các thầy thuốc “Quân hàm xanh” của Đồn Biên phòng Phú Tân đến tận nhà khám và cấp thuốc điều trị bệnh. Không chỉ bản thân tôi, mà nhiều người trong xã Phú Tân ai cũng quý, cũng thương các thầy thuốc của trạm xá…”.

Người dân không chỉ được các thầy thuốc “Quân hàm xanh” tận tình KCB, mà còn được tuyên truyền các biện pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa các bệnh, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19.
Có thể nói, hoạt động của trạm xá ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác KCB cho người dân trên địa bàn, qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân - dân.

TUẤN LÂM

.
.
.