Thứ Năm, 06/05/2021, 19:57 (GMT+7)
.

Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi giao tiếp là biện pháp tự phòng vệ

Trong bối cảnh cả nước tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và gia đình.

Lực lượng chức năng xử phạt hành chính với người không đeo khẩu trang nơi công cộng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Lực lượng chức năng xử phạt hành chính với người không đeo khẩu trang nơi công cộng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Những ngày gần đây, Việt Nam ghi nhận nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2 do lây nhiễm cộng đồng  ở Hà Nam, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Nam, Hà Nội, Đà Nẵng và An Giang.

Đặc biệt là sự xuất hiện của chùm ca bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Số ca mắc tại bệnh viện này đã lên đến hàng chục ca; toàn bộ Bệnh viện đã tiến hành cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19. Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp và lan rộng ra nhiều địa phương.

Đáng lo ngại là, từ bệnh viện này, nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đã về địa phương, mang theo virus gây bệnh nguy hiểm mà không hay biết nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng là rất cao. Các địa phương có bệnh nhân về từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đều đã và đang nỗ lực tiến hành các biện pháp truy vết nhanh các trường hợp này và các F1, F2, thậm chí có địa phương (như Thái Bình) thực hiện giãn cách xã hội để khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết việc người dân mang virus mà không hay biết có mặt trong cộng đồng là rất nguy hiểm bởi vô tình sẽ dẫn đến lây nhiễm với số ca trong cộng đồng và rất khó truy vết nhanh. Có nhiều trường hợp mắc bệnh không có triệu chứng, khó phát hiện, dẫn đến công tác phòng chống dịch bệnh sẽ thêm khó khăn.

Do đó, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Đắc Phu khuyến cáo trong điều kiện bình hình mới như hiện nay người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh; đặc biệt tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế, nhất là ở những chỗ đông người, nơi công cộng. Phía chính quyền các địa phương cũng cần thông tin tuyên truyền để người dân biết, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời xử phạt nghiêm những người vi phạm...

Phó Giáo sư -Tiến sỹ Trần Đắc Phu cũng nêu rõ những người đã qua cách ly tập trung cũng cần tiếp tục thực hiện quy định giám sát chặt chẽ tại địa phương trong các ngày tiếp theo. Trong thời gian cách ly tại địa phương, những người này phải hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, hạn chế đến nơi đông người, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.

Tuy nhiên, một số người chưa tuân thủ đúng các quy định này; sau khi hết cách ly tập trung đã tiếp xúc với nhiều người, ăn liên hoan, tới quán karaoke, bar… Đây là môi trường rất dễ lây lan dịch bệnh vì không gian kín, tập trung đông người, khoảng cách gần... Nguy cơ lây bệnh sau thời gian cách ly vẫn có dù tỷ lệ thấp. Do vậy, ý thực hiện và việc giám sát sau cách ly là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Mới đây, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu ở những bệnh nhân mắc COVID-19 tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên và Hà Tĩnh để làm xét nghiệm giải trình tự gene, giúp xác định nguồn gốc các ca bệnh.

Cả 3 mẫu ở Vĩnh Phúc (nhân viên quán bar karaoke Sunny) đều nhiễm virus thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của virus tại Ấn Độ. Tại Hà Nam lấy 6 mẫu, Hưng Yên lấy 2 mẫu, Hà Tĩnh lấy 2 mẫu cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7 là virus biến thể ;tại Anh.

Theo các chuyên gia dịch tễ, biến chủng virus từ Ấn Độ là biến chủng do đột biến ngay trên chủng B.1.1.7 từ Anh. Đây là biến chủng nguy hiểm hơn chủng ban đầu vì khả năng lây nhiễm cao hơn, tỷ lệ gây tử vong cao hơn, kháng vaccine mạnh hơn.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đến nay, ít nhất 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận có biến chủng B.1.617.2 nguy hiểm, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh cả nước tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới, mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và gia đình an toàn trước dịch bệnh.

Cụ thể là người dân không nên ra nhà khi không cần thiết; thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). Khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở hoặc các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, người dân cần phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, điều trị kịp thời...

(Theo https://www.vietnamplus.vn/deo-khau-trang-giu-khoang-cach-khi-giao-tiep-la-bien-phap-tu-phong-ve/710838.vnp)

 


 

.
.
.