.

Rượu và những biến chứng thần kinh tai hại

Cập nhật: 09:43, 31/05/2021 (GMT+7)

Từ xa xưa ông bà ta đã biết nấu rượu và dùng rượu để phục vụ cho đời sống. Rượu trong y học vừa có tác dụng bồi bổ sức khỏe, hoạt huyết, vừa tạo sự hưng phấn, tiêu thực cho người sử dụng… Tuy nhiên, gần đây việc sử dụng rượu, bia có những cảnh báo gây nguy hại.

Thực tế đã có các trường hợp ngộ độc rượu dẫn đến nguy hiểm tính mạng và có cả tử vong. Bên cạnh ngộ độc gây hại đến sức khỏe, rượu, bia cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây nên tình trạng mất an ninh trật tự.

RƯỢU ĐỐI VỚI SỨC KHỎE

Nói về tác dụng của rượu đối với cơ thể, Bác sĩ Chuyên khoa II (BSCKII) Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang cho biết, sau khi uống, 20% lượng rượu được hấp thu tại dạ dày, lượng rượu còn lại tiếp tục hấp thu tại ruột.

Trong trường hợp uống lượng rượu quá nhiều thì cơ thể tự bảo vệ bằng cách tiết ra chất nhờn làm hạn chế sự hấp thu rượu; đồng thời, phần đáy dạ dày co thắt không cho rượu xuống ruột, chính vì thế gây phản xạ nôn (báo hiệu dấu hiệu ngộ độc đang xảy ra). Chất đạm và mỡ làm chậm hấp thu rượu. Khi lượng rượu vào cơ thể sẽ phân bố khắp cơ thể gây ngộ độc cho các cơ quan, biểu hiện sớm nhất là não.

 Người lạm dụng rượu, bia đối mặt với nguy cơ đột quỵ rất cao (ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang).
Người lạm dụng rượu, bia đối mặt với nguy cơ đột quỵ rất cao (ảnh chụp tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang).

Về tác dụng của rượu lên não, rượu không kích thích mà ức chế vỏ não, người uống rượu nói nhiều, hoạt động nhiều nhưng không kiểm soát được hành vi. Khi nồng độ rượu trong máu lên 0,3% thì vận động và tư duy đều rối loạn, khi nồng độ rượu lên khoảng 0,4% - 0,5% có thể gây hôn mê, nếu cao hơn nữa thì người uống rượu có thể tử vong.

Có 2 mức độ ngộ độc rượu, đó là say rượu thông thường và say rượu bệnh lý. Say rượu thông thường là ngộ độc ethylic cấp tính. Trong giai đoạn đầu, người uống rượu cảm thấy khoan khoái, nói nhiều, tiếp đến là đi lảo đảo, nói lè nhè… Tình trạng nặng hơn là hôn mê. Say rượu bệnh lý thể hiện ở tình trạng loạn thần cấp, kéo dài từ vài phút đến vài giờ, tiếp đến là cơn ngủ say, không nhớ lại sự việc khi tỉnh. Các dấu hiệu sớm của ngộ độc rượu là rối loạn cảm xúc, mất tự chủ, khi lượng rượu tăng cao ức chế thần kinh trung ương dẫn tới hôn mê.

LẠM DỤNG RƯỢU VÀ BIẾN CHỨNG THẦN KINH

Chia sẻ về biểu hiện thần kinh do rượu, BSCKII Nguyễn Văn Thành cho rằng, rượu là chất ức chế, làm đình trệ và gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Khi lạm dụng rượu, bia, các chức năng của não như sự phán đoán, tính tự chủ, ý thức về đạo đức hoàn toàn bị ức chế. Khi đó người uống rượu sẽ không làm chủ hành vi và lời nói, nói nhiều, không biết đúng sai và xấu hổ… Từ đó dẫn đến những hậu quả khôn lường như bất cẩn trong giao thông, liều lĩnh không kiềm chế trước các tình huống nguy hiểm gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc hoặc gây mất an ninh trật tự như đánh nhau, chém giết...

Trong chức năng hoạt động của bộ não con người có rất nhiều chức năng khác nhau như trí nhớ, tư duy, tri giác, cảm xúc, hành vi… Một người thường xuyên uống rượu, nghiện rượu, lạm dụng rượu sẽ dẫn tới bị suy giảm và rối loạn các chức năng hoạt động của não bộ, dẫn đến suy giảm trí nhớ, suy giảm trí tuệ, rối loạn tư duy, cảm xúc, hành vi tác phong…

Bệnh nhân loạn thần do rượu bị rối loạn tư duy sinh ra các hoang tưởng về ghen tuông, bị hại… Rối loạn tri giác sinh ra ảo thị, ảo xúc (rối loạn cảm giác trên da). Rối loạn cảm xúc như trầm cảm hoặc hưng phấn, hung dữ không thể kiềm chế hành vi có thể dẫn đến việc đánh người gây thương tích. Người mất kiểm soát hành vi do rượu dễ gây gổ với mọi người xung quoanh, hành hung đánh đập vợ con thường xuyên, tạo ra những vấn nạn bạo hành trong gia đình.

Thực tế là rượu đã có những tác động xấu đến hoạt động cảm xúc và hành vi của người uống rượu. Khi người uống rượu trong trạng thái say, ở giai đoạn đầu của say rượu là giai đoạn hưng phấn cảm xúc. Người uống rượu sẽ nói nhiều, nói nhảm… không thể ngăn lại được. Khi đó, nếu bị chọc giận hoặc ngăn cản thì họ sẽ dễ nổi cáu, sinh ra chửi nhau, đánh nhau và rất rễ gây ra án mạng vì hành vi thiếu kiểm soát. Thực tế đã có rất nhiều vụ việc xảy ra trên bàn nhậu cũng như tình trạng bạo lực gia đình bởi các ông chồng nghiện rượu…

Giai đoạn tiếp theo của say rượu là giai đoạn hưng phấn, nếu người uống rượu tiếp tục uống tăng tửu lượng thì sẽ dẫn đến giai đoạn ức chế. Người uống say nằm một chỗ, không nói chuyện, thậm chí có người dẫn đến tình trạng sảng rượu.

Trong cuộc sống, mọi người khó tránh khỏi việc uống rượu, bia trong những cuộc họp mặt, đám tiệc cũng như dịp lễ, tết... Tuy nhiên, mỗi người cần chủ động quyết định uống rượu, bia như thế nào, liều lượng bao nhiêu để giữ cho cuộc vui được trọn vẹn, tránh những hậu quả khó lường đáng tiếc xảy ra do nguyên nhân bia, rượu.

MAI HÀ

.
.
.