.

Bệnh Covid-19 là nỗi ám ảnh của người lớn tuổi

Cập nhật: 14:00, 17/06/2021 (GMT+7)

(ABO) Bệnh Covid-19 là bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, lây truyền rất nhanh từ người sang người. Người bệnh Covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng giống như cảm cúm thông thường, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người lớn tuổi có nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong rất cao.

VÌ SAO NGƯỜI LỚN TUỔI CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH COVID- 19 CAO?

Do sự lão hóa: Người lớn tuổi có sự biến đổi về cấu trúc và chức năng của các cơ quan trong cơ thể do tuổi lớn, nên cơ thể thường trở nên suy yếu dần theo tuổi. Đây là quá trình lão hóa tự nhiên của con người. Tuy nhiên, chỉ với tình trạng suy yếu thì nó không gây ra bệnh lý. Nhưng chính sự suy yếu đó dẫn đến suy giảm đề kháng của cơ thể đối với các yếu tố môi trường, đồng thời làm tăng nguy cơ gây tổn thương khi gặp các tác nhân có hại. Ví dụ, ở người lớn tuổi các cơ quan tham gia hô hấp trở nên yếu hơn. Do đó, khả năng ho, khạc, làm sạch các chất tiết ra từ phổi kém. Đây chính là yếu tố nguy cơ viêm phổi dễ xảy ra.

Hình ảnh tổn thương phổi do COVID- 19
Hình ảnh tổn thương phổi do Covid- 19.

Hệ miễn dịch suy yếu: Khi tuổi càng cao, con người càng phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Bởi ở người lớn tuổi có sự suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Trong đó, có chức năng tạo miễn dịch cũng giảm đi, nên sức đề kháng kém đi. Do đó dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh Covid-19 hiện nay. Tùy vào sức đề kháng của mỗi người mà khả năng bị mắc bệnh và mức độ bệnh nặng hay nhẹ cũng khác nhau.

Có các bệnh lý mạn tính (bệnh nền): Hơn nữa người lớn tuổi thường có các bệnh mạn tính kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...). Chính vì những bệnh lý nền làm cho sức đề kháng của người lớn tuổi càng giảm hơn so với các nhóm tuổi khác, góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Người lớn tuổi có các bệnh lý nền kèm theo, khi mắc Covid-19 cũng làm gia tăng nguy cơ biến chứng nặng và tử vong nhiều hơn.

Khi hệ miễn dịch của người lớn tuổi hoạt động kém sẽ giảm khả năng nhận diện và sự chống lại tác nhân gây bệnh cũng giảm đi rất nhiều. Do đó, các mầm bệnh truyền nhiễm như vi khuẩn, vi rút, đặc biệt vi rút chủng mới SARS-COV-2 xâm nhập đường hô hấp trên (mũi, họng) dễ dàng, sau đó xâm nhập đường hô hấp dưới (phế quản, phổi) và gây bệnh tại đó. Trong khi đó, SARS-COV-2 là loại vi rút gây bệnh ở đường hô hấp, có độc tính cực mạnh, nếu người lớn tuổi bị nhiễm SARS-COV-2 càng làm cho các bệnh mạn tính có sẵn thúc đẩy chuyển thành giai đoạn bệnh cấp và đợt cấp bệnh mạn tính sẽ làm bệnh Covid-19 trở nên rất nặng và dễ tử vong.

Ngược lại, những người có sức đề kháng tốt sẽ giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh, hoặc người đã nhiễm bệnh sẽ có thời gian hồi phục nhanh hơn. Như vậy sức đề kháng kém là yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao. Còn bệnh nền và khả năng điều chỉnh thích nghi kém là yếu tố nguy cơ bệnh diễn tiến nặng. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng bệnh đối với người lớn tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng cần thiết.

PHÒNG NGỪA BỆNH COVID- 19 Ở NGƯỜI LỚN TUỔI

Trước tình hình dịch bệnh tăng nhanh và diễn biến phức tạp ở trong và ngoài nước, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân để giúp Việt Nam khống chế được sự lây lan của dịch bệnh, đòi hỏi mỗi người dân nói chung, người lớn tuổi và người chăm sóc người lớn tuổi cần có những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất.

Cần thực hiện nghiêm 5K của Bộ Y tế. Người người lớn tuổi và người chăm sóc người lớn tuổi phải thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh cho bản thân và người xung quanh như: Mang khẩu trang khi ra đường; khử khuẩn bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và xúc họng bằng nước muối sinh lý; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc với người xung quanh; không tụ tập nơi đông người; khai báo y tế theo quy định hoặc khi có biểu hiện bệnh đường hô hấp như ho, sốt, tức ngực, khó thở… hoặc đi từ vùng dịch về.

Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính để giúp người lớn tuổi đối phó với dịch Covid-19 hiệu quả. Đa phần người lớn tuổi có các bệnh lý nền mạn tính như tăng huyết áp, suy tim, đái tháo đường, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Đây là những bệnh mạn tính nên cần phải dùng thuốc thường xuyên và liên tục để cho tình trạng bệnh ổn định, tránh biến chứng xảy ra. Do tâm lý lo ngại dịch bệnh nên bệnh nhân không đến khám bệnh nhưng phải đảm bảo đủ thuốc uống và kiểm soát tốt bệnh lý của mình thông qua tư vấn của bác sĩ hoặc cần thiết phải tái khám nhưng thực hiện tốt các biện pháp dự phòng là chính.

Việc quản lý tốt tình trạng bệnh lý nền của người lớn tuổi trong thời điểm dịch bệnh chính là cách giúp người lớn tuổi giảm thiểu tối đa các nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng cũng như tránh được nguy cơ tử vong trong trường hợp không may mắc Covid-19. Ngoài ra, khi người lớn tuổi có sự bất thường về sức khỏe, bệnh cấp tính, bệnh nặng cần thiết thì phải nhập viện ngay, không vì lý do dịch bệnh mà trì hoãn, vào viện muộn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng là điều thật đáng tiếc.

Nâng cao sức đề kháng cho người lớn tuổi để phòng tránh dịch bệnh. Mặc dù không có loại thuốc đặc trị nào có thể trực tiếp cải thiện hệ thống miễn dịch cơ thể, nhưng chúng ta có thể tăng cường sức đề kháng của cơ thể qua các biện pháp sau:

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý: Người lớn tuổi cần chế độ ăn hằng ngày phải đầy đủ các nhóm chất gồm tinh bột, đạm, chất béo, sữa và các sản phẩm từ sữa, nhóm rau củ quả giàu vitamin, khoáng chất và cả chất chống oxy hóa. Để tăng cường sức đề kháng cần cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết như vitamin A, C, D, E; sắt; kẽm, đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.  Dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt.

Uống đủ lượng nước cho cơ thể: Người lớn tuổi cần uống đủ lượng nước, mỗi ngày uống khoảng 1,5 - 2,5 lít nước tùy theo nhu cầu hoạt động của mỗi người và thời tiết nắng nóng. Không lạm dụng rượu bia và chất kích thích. Nếu lạm dụng rượu bia và chất kích thích sẽ gây ức chế chức năng của các tế bào bạch cầu, làm giảm sức đề kháng và suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.

Vận động thể lực thường xuyên là một biện pháp đơn giản, dễ thực hiện và rất hiệu quả giúp người lớn tuổi duy trì và cải thiện sức khỏe về nhiều mặt. Ví dụ chỉ cần thể dục nhẹ nhàng như đi bộ cũng giúp kích thích các tế bào bạch cầu hoạt động tốt hơn, giải phóng hormone endorphin có khả năng giảm đau, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn, từ đó cải thiện khả năng miễn dịch bảo vệ cho cơ thể tốt hơn.

Ngủ đủ giấc: Một giấc ngủ sâu và ngủ đủ giờ được xem như liều thuốc chữa bệnh tuyệt vời cho cơ thể con người. Vì ngủ đủ giấc giúp ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn hại và suy yếu, giúp cho hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn. Do đó tạo môi trường thông thoáng, không khí mát mẽ, để người lớn tuổi có giấc ngủ tốt.

Sống vui vẻ, sống khỏe, không lo lắng nhiều: Qua nghiên cứu cho thấy những người có tinh thần lạc quan, vui vẻ thì thường có xu hướng khỏe mạnh hơn. Vì người căng thẳng, lo toan, buồn rầu, chán nản, thì cơ thể sẽ tiết ra các hormone như cortisol và adrenaline làm suy yếu hệ thống miễn dịch nên dễ mắc các bệnh từ thông thường đến nặng (tim mạch và tăng huyết áp).

Phòng ngừa bệnh Covid-19 cho người lớn tuổi đòi hỏi phải dùng nhiều biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác giúp giảm khả năng tiếp xúc với vi rút hoặc lây lan vi rút cho người khác, tuy nhiên, các biện pháp này là không đủ để bảo vệ cơ thể khỏi bệnh. Do đó cần tiêm vắc xin Covid-19 sẽ giúp bảo vệ cơ thể bằng cách tạo ra phản ứng kháng thể (hệ thống miễn dịch) mà không phải trải qua tình trạng bệnh. Có nhiều bằng chứng cho thấy, những người được tiêm vắc xin đầy đủ 2 mũi cách nhau từ 4 đến 12 tuần. Sau tiêm mũi thứ 2 rồi, trong vòng 12 tuần hiệu lực có thể đạt 63% - 92%,  nhưng hiệu quả khỏi bệnh nặng đến 100%, cũng như ít có khả năng lây lan vi rút Covid-19 cho những người khác.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng cũng như các nước trên thế giới đang diễn biến phức tạp khó lường. Vì vậy, việc cấp bách nhất ngay lúc này là mỗi người cần chủ động phòng ngừa dịch bệnh với nhiều biện pháp, không chủ quan trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương như người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính là đối tượng ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội.

                                                         BS CKII LÊ THÚY PHƯỢNG

.
.
.