Chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ
(ABO) Ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ là hội chứng có rối loạn đặc trưng của bệnh lý hô hấp liên quan đến giấc ngủ. Hội chứng thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở nam giới sau 40 tuổi và phụ nữ sau tuổi mãn kinh có thừa cân hay béo phì.
Tuy nhiên, bản thân bệnh nhân thường không biết mình ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ, vì chỉ xảy ra trong lúc ngủ nên thường không được chẩn đoán và điều trị. Trong khi đó, tình trạng ngưng thở xảy ra thường xuyên theo thời gian có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
NGUYÊN NHÂN CỦA NGỦ NGÁY VÀ NGƯNG THỞ KHI NGỦ
Bình thường trong lúc ngủ, chúng ta sẽ hít vào một lượng khí. Lượng khí này sẽ đi vào mũi hoặc miệng rồi xuống phổi và thở ra một cách tự nhiên không có tiếng kêu. Nếu vùng hầu họng bị hẹp sẽ khiến lượng khí hít vào đi qua một vùng hẹp ở đường hô hấp trên, tác động lên niêm mạc các mô xung quanh làm rung lên tạo nên một loại âm thanh đặc trưng mà người ta gọi đó là tiếng “ngáy”.
Ngủ ngáy làm ảnh hưởng giấc ngủ người xung quanh và ảnh hưởng sức khỏe bản thân. |
Tiếng ngáy có âm thanh như tiếng khò khò hay khàn khàn, phát ra từ vùng hẹp có thể ở vùng mũi, miệng hoặc là họng. Như vậy, những người ngủ ngáy có đường thở bị hẹp khi ngủ. Nếu người ngủ ngáy rơi vào trạng thái ngủ sâu hơn thì tất cả mô và cơ xung quanh cổ họng giãn ra hoàn toàn, sẽ chùng xuống làm cho đường dẫn khí vốn đã hẹp rồi sẽ hẹp thêm, thậm chí tắc luôn gây nên hiện tượng ngưng thở khi ngủ kéo dài từ 10 - 20 giây.
Do đó, ngưng thở lúc ngủ là một dạng nặng của tắc nghẽn đường hô hấp với biểu hiện đầu tiên thường là ngáy với những cơn ngưng thở ngắn. Ngủ ngáy chưa hẳn là bệnh, nhưng ngủ ngáy thường xuyên sẽ có nguy cơ ngưng thở khi ngủ. Khi đó, ngủ ngáy trở thành bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị nghiêm túc.
Ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ xảy ra khi có sự cản trở lưu thông bình thường của không khí giữa thanh quản và vùng mũi họng. Ngủ ngáy có thể do một hay sự kết hợp của nhiều yếu tố sau:
Tắc nghẽn đường hô hấp mũi: Do dị ứng hoặc viêm xoang. Một số người chỉ ngáy trong mùa dị ứng hoặc khi bị nhiễm trùng xoang. Các dị tật mũi như vách ngăn lệch hoặc polyp mũi cũng có thể gây ra tắc nghẽn đường thở, khiến ngủ ngáy xuất hiện. Nếu trẻ em ngủ ngáy thì phải lưu ý vấn đề về tai - mũi - họng như amidan to, viêm VA, nghẹt mũi, lưỡi gà dài, mềm… Lúc ngủ, trẻ phải há miệng để thở, khi phải thở bằng miệng như vậy sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống hô hấp của trẻ.
Tuổi cao: Ở người lớn tuổi, trương lực cơ ngày càng yếu đi làm thả lỏng các mô mềm xung quanh đường thở, không giữ được lưỡi ở vị trí ban đầu mà khiến lưỡi bị tụt lại phía sau che lấp đường thở, vòm họng, dễ rung hơn và dẫn đến ngáy. Điều này lý giải cho sự gia tăng tỷ lệ người ngủ ngáy theo tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy nam giới có tỷ lệ ngủ ngáy nhiều hơn ở nữ giới do cấu tạo đường thở của nam lúc sinh ra thường hẹp hơn so với nữ.
Thừa cân, béo phì: Béo phì là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng ngủ ngáy. Do trọng lượng cơ thể lớn, tích lũy mô mỡ ở vùng hầu họng, khiến cho mô họng quá lớn, làm hẹp khoảng trống giữa vùng hầu họng, thanh quản và gây ra tiếng ngáy. Đa số những người béo phì, cổ ngắn, lưỡi to thường rất dễ bị ngủ ngáy hơn.
Uống rượu và dùng thuốc an thần: Có thể giúp dễ dàng chìm vào giấc ngủ nhưng nó lại có thể gây ra ngủ ngáy vì những chất này làm ức chế và gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương, làm giãn các cơ vùng cổ. Khi tất cả mô và cơ xung quanh cổ họng giãn ra và chùng xuống làm cho đường dẫn khí bị hẹp lại dẫn đến ngủ ngáy.
Khi ngủ sâu: Cơ vùng họng không còn săn chắc như lúc thức mà giãn ra và làm cho đường dẫn khí bị hẹp lại. Tình trạng thiếu ngủ sẽ kéo dài giai đoạn ngủ sâu khi được ngủ bù, từ đó làm hẹp đường dẫn khí và gây ngáy.
Tư thế ngủ: Có đến 60% người nằm ngửa khi ngủ và nghĩ rằng tư thế này tốt. Tuy nhiên, nằm ngửa lại không phải là tư thế tốt nhất khi ngủ. Bởi khi nằm ngửa, lưỡi và vòm họng có thể sụp xuống phía sau của thành cổ họng gây hẹp và sẽ hẹp nhiều hơn khi nằm ngủ gối đầu cao quá gây gập cổ dễ gây âm thanh rung và ngáy khi ngủ.
Thuốc lá: Không những gây ra các bệnh về tim mạch, phổi và gây ung thư. Ngoài ra, khói thuốc đi vào cổ họng, kích thích gây phù nề và tiết nhiều chất nhầy. Lúc này, đường thở bị thu hẹp lại nên phát ra tiếng ngáy khò khè.
Tổn thương não: Người bị tổn thương ở não dẫn đến liệt các cơ vùng hầu họng, nên khi ngủ dể bị ngủ ngáy.
CÁCH NHẬN BIẾT NGỦ NGÁY VÀ NGƯNG THỞ KHI NGỦ
Người ngủ ngáy thường không biết mình ngủ ngáy, thường nhận biết qua người thân báo lại. Ngưng thở lúc ngủ là một giai đoạn ngắn trong khi ngủ do đường thở bị tắc nghẽn. Những dấu hiệu phổ biến của ngưng thở khi ngủ là ngáy to khi ngủ, có những cơn ngưng thở về đêm, thở phì phò, sau đó thở dồn dập, thở hổn hển vào cuối thời kỳ ngưng thở, thức giấc ban đêm vì cảm giác ngộp thở. Người ngủ chung có thể nhận biết những lúc ngưng thở này. Theo thời gian, ngáy xảy ra thường xuyên hơn và to hơn.
Người bệnh thường không biết đang mình gặp vấn đề về giấc ngủ, cũng như mức độ nặng của nó. Tuy nhiên, không phải mọi người bị ngáy đều bị ngưng thở khi ngủ. Những triệu chứng khác cũng thường gặp của ngưng thở khi ngủ là buồn ngủ ban ngày quá mức, bệnh nhân có thể ngủ trong khi đang làm việc, thậm chí khi đang lái xe.
Ngoài ra, còn có những biểu hiện khác của ngưng thở khi ngủ có thể là nhức đầu vào buổi sáng, giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, dễ cáu gắt, trầm cảm, thay đổi tính tình, tiểu ban đêm nhiều lần, khô cổ khi thức giấc… Ở trẻ em, hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây ra tình trạng hiếu động thái quá, hay gây gổ, giảm thành tích học tập, tiểu dầm
NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA NGỦ NGÁY VÀ NGƯNG THỞ KHI NGỦ
Trong khi ngủ, tiếng ngáy khò khò có cường độ có thể lên tới 80 dB, tức là bằng tiếng ồn của một máy hút bụi hay tiếng ồn ào của đám đông làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người xung quanh. Người ngủ ngáy thường cho rằng việc ngủ ngáy chỉ gây phiền toái đôi chút cho người xung quanh không ngủ được chứ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bản thân họ. Nhưng qua nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh việc ngủ ngáy có mối tương quan chặt chẽ với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như:
Trẻ em bị ngủ ngáy, thường khó đi vào giấc ngủ và có thể có ngưng thở lúc ngủ sẽ làm cho bé ngủ không sâu, giảm chất lượng giấc ngủ,khiến bé cảm thấy mệt mỏi do não bộ không được nghỉ ngơi hồi phục hoàn toàn. Do đó, ngủ ngáy còn có thể làm xáo trộn sóng điện não, làm giảm trí nhớ, tinh thần mệt mỏi, khả năng tập trung kém và học tập giảm sút. Ngoài ra, ngủ ngáy ở trẻ em còn ảnh hưởng đến hình dáng khuôn mặt do miệng thường há ra để hít thở khi ngủ.
Đối với người lớn, khi mắc bệnh ngủ ngáy, nguy cơ lớn nhất là ngưng thở trong lúc ngủ. Khi ngưng thở lúc ngủ, không khí không vào đến phổi để trao đổi oxy, gây ra thiếu oxy toàn thân ảnh hưởng đến mạch máu ở tim, phổi, thận, tuyến tụy, não… Giấc ngủ bị ngắt quãng khiến người bệnh ngủ không ngon, dễ bị tỉnh dậy vào nửa đêm, làm cho não bộ không được nghỉ ngơi hoàn toàn sau một ngày hoạt động.
Nếu những rối loạn diễn ra liên tục sẽ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải và khó tập trung vào công việc, thậm chí ngủ gục ban ngày, chất lượng công việc bị giảm sút. Sau một thời gian dài, người bệnh có thể bị suy giảm trí nhớ, giảm linh hoạt, tâm lý không ổn định, trầm cảm…
Thêm vào đó, tình trạng thiếu oxy não mỗi khi ngưng thở và rối loạn giấc ngủ thường xuyên sẽ làm cho huyết áp tăng cao, nhịp tim nhanh, nhồi máu cơ tim, đau đầu, giảm ham muốn tình dục, tai biến mạch máu não cao hơn người bình thường.Nếu ngưng thở khi ngủ kéo dài trên 10 giây hoặc hơn nữa thì đôi khi sẽ dẫn đến trường hợp xấu nhất đó là đột tử.
KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG NGỦ NGÁY VÀ NGƯNG THỞ KHI NGỦ
Ngủ ngáy là một hiện tượng xảy ra ở mọi lứa tuổi. Hiện tượng này vừa ảnh hưởng đến sức khỏe vừa ảnh hưởng đến giấc ngủ của người thân trong gia đình nên cần được khắc phục càng sớm càng tốt. Ngủ ngáy có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Cách chữa ngủ ngáy hiệu quả nhất là tìm được nguyên nhân, khắc phục nguyên nhân và kết hợp với thay đổi các thói quen sau:
Thay đổi tư thế ngủ: Tư thế nằm nghiêng khi ngủ được cho là tốt nhất để giảm tình trạng ngủ ngáy. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng gối dày hay đặt gối phía sau lưng khi nằm để hạn chế ngủ ngáy.
Giảm cân: Nếu cơ thể đang thừa cân nên giảm số cân dư càng nhiều càng tốt. Bởi vì, khi lượng mỡ cơ thể giảm xuống thì lượng mỡ ở cổ và xung quanh đường thở cũng giảm theo. Từ đó, cơ thể sẽ giảm được áp lực vào đường hô hấp làm cho việc hít thở trở nên dễ dàng hơn. Do đó, việc giảm cân là biện pháp giảm ngủ ngáy hiệu quả đã được chứng minh.
Không uống bia rượu: Nếu bạn uống rượu, bia thì nên uống ít nhất trong 4 giờ trước khi ngủ để hạn chế tối đa tình trạng ngủ ngáy.
Bỏ thuốc lá: Thuốc lá ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe như gây ra các bệnh về tim mạch, phổi và bệnh ung thư. Ngoài ra, thuốc lá còn có thể gây tình trạng ngủ ngáy do nó làm tắc nghẽn đường hô hấp. Vì vậy, cần bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.
Tập thói quen ngủ nghỉ điều độ: Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe, giúp cơ thể hồi phục sau một ngày làm việc mệt nhọc và tạo tinh thần hứng khởi để chào đón ngày mới sau khi thức dậy. Nếu bạn tập được thói quen đi ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày, đi ngủ, thức dậy đúng giờ giấc, đều đặn thì cơ thể sẽ không lâm vào tình trạng quá mệt mỏi và giúp giảm được tình trạng ngủ ngáy.
Giữ vệ sinh phòng ngủ: Thường xuyên thay ga giường, vỏ gối để tránh mạt bụi nhà có thể là tác nhân gây dị ứng có thể là nguyên nhân gây ngủ ngáy.
Làm thông thoáng đường thở ở mũi: Tắc mũi, thở bằng miệng là nguyên nhân có thể dẫn đến ngáy ngủ. Nếu bị nghẹt mũi vì đang bị viêm mũi gây tiết dịch cản trở đường hô hấp thì phải làm thông mũi có thể bằng thuốc xịt mũi để dễ thở hơn. Trường hợp trẻ bị VA, tuyến Amidan sưng to gây ngáy ngủ, chỉ cần nạo VA và cắt amidan có thể giải quyết được ngủ ngáy.
Tập thể dục thường xuyên: Vừa giảm được cân, lại tăng cường sức mạnh cơ bắp, cải thiện nhịp tim, tuần hoàn máu và tăng lượng oxy cung cấp cho não. Tập thể dục hằng ngày đều đặn cũng có thể giúp điều chỉnh kiểu ngủ. Do đó, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để giảm ngáy.
Trên đây là những cách xử lý cho dạng ngáy đơn thuần. Nếu một người ngủ ngáy lại kèm theo các triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi và các buổi sáng sớm, buồn ngủ hoặc ngủ gục lúc ban ngày thì nên cảnh giác về tình trạng ngưng thở lúc ngủ. Ngưng thở lúc ngủ là một dạng bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị nghiêm túc.
Việc chẩn đoán xác định một người ngủ ngáy có bị ngưng thở lúc ngủ hay không và việc tìm nguyên nhân ngưng thở với máy đa ký giấc ngủ để ghi lại một loạt thông số sinh lý (điện não, điện cơ, điện mắt, điện tim, cử động hô hấp…). Với phương tiện này, những rối loạn trong giấc ngủ, đặc biệt là ngưng thở lúc ngủ sẽ được phát hiện.
Đồng thời với việc phát hiện, máy cũng sẽ giúp xác định áp lực cần thiết để khắc phục việc tắc nghẽn đường thở. Điều trị ngưng thở lúc ngủ sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân một cách rõ rệt bên cạnh việc phòng ngừa tai nạn, biến chứng tim mạch và suy hô hấp.
BS. CKII LÊ THÚY PHƯỢNG