Tiền Giang đang đối phó với biến thể SARS-CoV-2 cực kỳ nguy hiểm
(ABO) Tiền Giang đang trải qua đợt dịch Covid-19 đầu tiên với những diễn biến khó lường, trong 3 đợt bùng phát trước của cả nước, Tiền Giang không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tháng kể từ ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng đến nay vừa hơn 1 tháng, tổng số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại Tiền Giang đã vượt mốc 300 ca. Số lượng ca bệnh đang gia tăng nhanh trong những ngày qua, đặc biệt là tại các khu vực điểm nóng như huyện Cái Bè và TP. Mỹ Tho. Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang chia sẻ lý do số lượng ca mắc Covid-19 tăng nhanh là do biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 đang lưu hành.
Cơ quan chức năng của tỉnh Tiền Giang đã tích cực thực hiện các biện pháp thần tốc truy vết, khoanh vùng, dập dịch để ngăn chặn mầm bệnh lây lan trong cộng đồng. |
* Phóng viên (PV): Xin bác sĩ cho biết, đợt dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh lần này, đã ghi nhận bao nhiêu biến chủng của Covid-19 và mức độ nguy hiểm của nó như thế nào?
* BSCK2 TRẦN THANH THẢO: Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 của nước ta chủ yếu tác nhân là do 2 biến thể của vi rút SARS-CoV-2, đó là biến thể Ấn Độ (Delta), biến thể Anh (Delta plus). Chủng vi rút đang gây dịch đang lưu hành trên bệnh nhân Covid-19 ở Tiền Giang cũng là 2 tác nhân này. Chủng vi rút mới này khác biệt với biến chủng trước, đặc biệt nguy hiểm ở chỗ là nó lây lan nhanh, đặc biệt tốc độ lây lan của biến chủng Ấn Độ rất nhanh, nhất là trong các môi trường kín, thông khí kém, tập trung đông người như đám cưới, đám tang, quán karaoke, khu công nghiệp.
Có những người mới tiếp xúc với ca bệnh 1 - 2 ngày đã có triệu chứng bệnh và nồng độ vi rút trong dịch họng hầu đã nhân lên đủ để xét nghiệm dương tính. Có những người mới tiếp xúc mầm bệnh 1 - 2 ngày đã có triệu chứng và đã có khả năng lây lan cho người khác. Nhiễm chủng vi rút mới này, người bệnh có tỷ lệ biến chứng liên quan đến phổi khá cao; tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều lần so với các chủng trước đó.
* PV: Bác sĩ cho biết thêm về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này?
* BSCK2 TRẦN THANH THẢO: Mặc dù thời gian qua tỉnh đã hết sức nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn đang hết sức phức tạp, đòi hỏi sự quyết tâm và tham gia của cả cộng đồng để đẩy lùi dịch bệnh.
Tính đến thời điểm chiều ngày 8-7, Tiền Giang ghi nhận tổng cộng 323 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Trong đó, TP. Mỹ Tho là địa phương có số ca dương tính được ghi nhận nhiều nhất, với 103 ca; kế đến là huyện Cái Bè 85 ca; tiếp theo là TX. Cai Lậy 29 ca và huyện Gò Công Đông 20 ca…
Hiện tại 9/11 đơn vị huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh có ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Về diễn biến của các ổ dịch, có trên 15 ổ dịch đã qua hơn 2 tuần không có ca mắc mới. Ổ dịch tại xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy và ổ dịch tại chợ Ba Dừa, xã Long Trung, huyện Cai Lậy sau 20 ngày không có ca mắc mới và những trường hợp F1 đầu tiên của 2 ổ dịch này cũng đã được xóa cách ly trở về nhà. Dự kiến xã Mỹ Hạnh Đông sẽ được gỡ lệnh phong tỏa vào sáng ngày 9-7.
Tuy nhiên, trong tỉnh cũng xuất hiện những ổ dịch mới, đặc biệt là một số ổ dịch trong công ty, xí nghiệp tại các huyện phía Đông và đã được lực lượng chức năng của tỉnh ráo riết dập dịch. Ngoài ra, có nhiều trường hợp F0 được phát hiện là công nhân của tỉnh làm việc tại Công ty Pou Yuen TP. Hồ Chí Minh, đi về hằng ngày, nên địa phương đã yêu cầu tất cả công nhân của công ty này không rời khỏi địa bàn và tiến hành tầm soát SARS-CoV-2.
* PV: Trước tình hình lây lan của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân trong thời điểm này?
* BSCK2 TRẦN THANH THẢO: Để phòng dịch, ngành Y tế khuyến cáo mọi người dân thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế), nhất là tuân thủ, hợp tác khai báo y tế của người về từ vùng đang có dịch và cách ly, tự theo dõi sức khỏe theo đúng quy định của ngành Y tế; vì đây là công việc quan trọng để phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh; ngăn ngừa việc bùng phát và lây lan dịch bệnh. Khi phát hiện người về từ vùng đang có dịch không khai báo y tế, không tuân thủ cách ly thì người dân báo cáo ngay cho Tổ Covid cộng đồng hoặc Công an, Y tế, chính quyền địa phương.
Để chống dịch, khi có người mắc Covid-19 (ổ dịch) cần hợp tác và tuân thủ hướng dẫn của ngành Y tế và các ngành chức năng để truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất.
* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
THỦY HÀ (thực hiện)