.

Tiêm hết vaccine cho người dân TPHCM để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất

Cập nhật: 20:22, 31/07/2021 (GMT+7)

 Chúng ta ưu tiên cao nhất vaccine phòng COVID-19 cho TPHCM. Bộ Y tế rà soát, điều chỉnh cần thiết về quy trình, thủ tục tiêm để tiêm nhanh nhất, an toàn; bảo đảm nguồn vaccine theo đúng tiến độ tiêm của UBND TPHCM đề ra.

a
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm đời sống, trợ giúp y tế để người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì, với thành viên Ban Chỉ đạo (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổ Phân tích thông tin) về công tác phòng, chống dịch COVID-19, chiều 31/7, tại Trụ sở Chính phủ.

Người dân không nên tự ý trở về quê

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận các nội dung thông tin liên quan đến việc thực giãn cách xã hội tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trong khu vực này có xu hướng gia tăng, các địa phương nên tiếp tục thực hiện giãn các xã hội, thậm chí một số khu vực cần siết chặt thêm các biện pháp khác.

Đồng quan điểm, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, nên kéo dài thời gian giãn cách xã hội ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam bởi các ca mắc ở đây vẫn có xu hướng tăng, chưa có dấu hiệu chững lại.

Trong khi đó, một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội còn chưa nghiêm, còn tình trạng người dân vẫn ra đường không cần thiết.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu Tiểu ban Giám sát dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) tiếp tục giám sát chặt chẽ để kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo khi các địa phương có dấu hiệu chuyển từ nguy cơ lên nguy cơ cao (phải giãn cách theo Chỉ thị 15/CT-TTg), nguy cơ cao lên nguy cơ rất cao (phải giãn cách theo Chỉ thị 16) để chỉ đạo các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể như đối với Thành phố Hà Nội, sau khi hệ thống giám sát cảnh báo về mức nguy cơ rất cao, Ban Chỉ đạo đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Ban Chỉ đạo thống nhất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thêm 14 ngày.

Tuy nhiên, tùy vào mức độ kiểm soát dịch bệnh, các địa phương có thể nới lỏng cục bộ. Đối với khu vực tiếp giáp, phải thống nhất với các địa phương khác, báo cáo Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia trước khi quyết định.
PGS.TS Trần Đắc Phu: Trong lúc này, người dân nên ở lại và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, góp phần phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. Ảnh: VGP

Không để người dân về quê tự phát

Trước tình trạng nhiều người dân đi ra khỏi TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương… để về quê, mặc dù các địa phương này đang thực hiện giãn cách xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TPHCM và một số địa phương khác, mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 phải được đặt lên hàng đầu. Qua theo dõi, nhiều địa phương không kiểm soát được do người dân đi về tự phát. Trong số đó, có những người đã mắc COVID-19, trên đường đi lây nhiễm lẫn nhau.

"Trong lúc này, người dân không nên tự ý trở về quê; nên ở lại và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội của chính quyền các địa phương, góp phần phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng", PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Ban Chỉ đạo thống nhất nguyên tắc, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, không ai được ra khỏi vùng đang giãn cách, trừ mục đích công vụ và lý do đặc biệt được chính quyền cho phép. Các địa phương không kiểm soát, để người dân tự ý ra khỏi địa bàn, phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Đối với những người dân đã đi ra khỏi địa bàn đang giãn cách xã hội, sang địa phương khác, khi được phát hiện, chính quyền sở tại có trách nhiệm đón, đưa những người này tiếp tục về quê an toàn. Tổ chức xét nghiệm, bố trí xe ô tô khách chở bà con về, (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy nếu bà con di chuyển bằng xe gắn máy).

Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh, các địa phương phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, chăm lo đầy đủ đời sống, trợ giúp y tế để người dân yên tâm thực hiện giãn cách; tuyên truyền chủ trương của Chính phủ về việc đồng ý nguyên tắc tập trung vaccine phòng COVID-19, tiêm hết cho người dân trên địa bàn của TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An..., để bà con yên tâm ở lại.

a
Ban Chỉ đạo thống nhất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thêm 14 ngày. Ảnh: VGP/Đình Nam

Bảo đảm đủ vaccine theo tiến độ tiêm của TPHCM

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở TPHCM, khu vực lân cận thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Sau cuộc họp của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 30/7, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận là chúng ta ưu tiên cao nhất vaccine phòng COVID-19 cho khu vực này để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất.

Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với UBND TPHCM để rà soát, điều chỉnh cần thiết về quy trình, thủ tục tiêm để tiêm nhanh nhất, bảo đảm an toàn. Mặt khác, Bộ Y tế bảo đảm nguồn vaccine theo đúng tiến độ tiêm của UBND TPHCM đề ra.

Đồng thời, Thành phố phối hợp với Bộ Y tế cần khẩn trương xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh sau khi đã tiêm vaccine cho tất cả những người trong độ tuổi (theo khuyến nghị của nhà sản xuất).

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại công tác thống kê để cập nhật kịp thời số người mắc, tử vong do COVID-19 trên nguyên tắc công khai, minh bạch.

Đến ngày 31/7/2021, TPHCM đã được phân bổ 3 triệu liều, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này.

Đến nay TPHCM đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều vaccine, trong đó có 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều vaccine và gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều vaccine.

Ngày 24/7/2021 của Bộ Y tế đã có công văn thông báo về việc dự kiến phân bổ vaccine phòng COVID-19 năm 2021, theo đó, TPHCM sẽ được phân bổ khoảng 13,8 triệu liều, đảm bảo tỷ lệ đạt khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine. Riêng trong tháng 8/2021, dự kiến TPHCM sẽ nhận thêm được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.