Bảo vệ trẻ em trước đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp, với tốc độ lây lan nhanh chóng. Một trong những đối tượng đang phải đối mặt với nhiều nguy hiểm trong đại dịch Covid-19 là trẻ em, bởi các em chưa có vắc xin phòng Covid-19 phù hợp với cơ thể để có thể an toàn hơn, cộng với hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, không đủ sức đề kháng để bảo vệ trẻ trong giai đoạn này.
Theo Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, số trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ nay đến cuối năm 2021 có thể tăng lên khoảng 42.000 trẻ em. Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, dịch Covid-19 còn ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần, có thể dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý tâm thần ở trẻ, nhất là những trẻ nhỏ phải đi cách ly y tế tập trung, không được ở gần bố mẹ gây tâm lý lo âu, sợ hãi, căng thẳng… Đây đều là những chấn thương tâm lý rất nghiêm trọng đối với trẻ.
Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp ca nhiễm Covid-19 hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm (F0) là trẻ em. Các em còn đang trong tuổi ăn tuổi học, chưa ý thức hết được về mọi thứ xung quanh đang diễn ra cũng phải rời gia đình để theo chân nhân viên y tế đưa đi cách ly, điều trị, thậm chí có những trẻ còn chưa dứt sữa mẹ cũng nằm trong số đó.
Hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách, thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát). |
Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, rất dễ bị các tác nhân gây hại trong môi trường xâm nhập vào cơ thể. Trẻ càng nhỏ tuổi, sức đề kháng càng yếu, hệ thống miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Dù các thống kê gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 thấp, tuy nhiên phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan.
Theo đó, trẻ có thể bị lây nhiễm Covid-19 thông qua các giọt bắn, qua các mầm bệnh tồn tại trong môi trường, trên các bề mặt mà trẻ vô tình tiếp xúc, sau đó xâm nhập vào cơ thể do thói quen hay mút tay, dụi mắt mũi… Với các bé ở lứa tuổi mầm non, nếu đến trường cần có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường để đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch. Xây dựng cho trẻ các thói quen tốt như: Không bò lê trên mặt sàn, không đưa tay lên mắt, mũi miệng… là những biện pháp góp phần bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch bệnh.
Trong giai đoạn chưa có vắc xin cho trẻ, phụ huynh không nên quá hoảng loạn và lo lắng. Thay vào đó, phụ huynh cần chấp hành đúng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho bản thân và cho trẻ như: Mang khẩu trang tại nơi công cộng; rửa tay và giãn cách xã hội; đồng thời, cho trẻ hạn chế tiếp xúc, tập trung nơi đông người…
Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh viện và chuyên gia đã khuyến cáo một số biện pháp giúp bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ dịch bệnh như:
- Đeo khẩu trang: Cha mẹ cần tuân thủ và hướng dẫn trẻ tuân thủ việc đeo khẩu trang đúng quy định. Đối với những trường hợp trẻ nhỏ hoặc trẻ gặp các vấn đề về hô hấp, bệnh lý dẫn đến việc không thể đeo khẩu trang, người thân xung quanh cần tuân thủ việc đeo khẩu trang.
- Chú ý vệ sinh: Các bậc phụ huynh cần giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ. Rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc đông người: Cha mẹ và gia đình cũng cần hạn chế để trẻ tiếp xúc nơi đông người, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người có dấu hiệu viêm đường hô hấp (sốt, ho, khó thở). Trong trường hợp phải đi đến các nơi tập trung đông, cần chú ý các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
- Cha mẹ và gia đình cần hướng dẫn trẻ cần che miệng và mũi cho trẻ khi trẻ ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
- Khi trẻ có các triệu chứng sốt, ho, khó thở... gia đình cần thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên. Đồng thời thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, vui chơi, học tập hợp lý, lành mạnh để nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ.
P. V