.

Chiến lược mới và chuyển biến tích cực của TP Hồ Chí Minh trong phòng, chống Covid-19

Cập nhật: 12:47, 03/08/2021 (GMT+7)

 

Xét nghiệm cho người dân trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Xét nghiệm cho người dân trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Trung bình hơn 4.000 ca Covid-19 mỗi ngày từ giữa tháng 7, sáng 3-8, TP Hồ Chí Minh đã vượt mốc 100.000 ca. Tuy nhiên, trong 2 ngày qua, thành phố không phát hiện thêm các ổ dịch mới, số ca xuất viện đang ngày càng tăng cho thấy những dấu hiệu tích cực trong chiến lược phòng chống dịch.

Nỗ lực kéo số ca nhiễm đi ngang trên bản đồ

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, thành phố đã có hơn 100.500 trường hợp mắc Covid-19. Trong số này, có 37.800 trường hợp đã điều trị khỏi.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh hôm qua phát đi thông báo, trong vòng 2 ngày qua, địa bàn này không phát hiện thêm các ổ dịch mới. 29 ổ dịch đang bùng phát đã được truy vết, khoanh vùng và giám sát chặt. Đây là một tín hiệu vô cùng tích cực.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, từ khi áp dụng Chỉ thị 15, siết chặt theo Chỉ thị 16, tốc độ tăng ca nhiễm bình quân/ngày đã chậm lại, hiện nay chỉ tăng bình quân 1,5 lần/ngày so với lúc áp dụng Chỉ thị 15 (tăng 6 lần bình quân/ngày).

Dù tốc độ chậm lại, tuy nhiên, số tuyệt đối ca mắc hàng ngày vẫn lớn do dịch đã lây lan sâu vào cộng đồng. Để kiểm soát được dịch bệnh, thành phố cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp đã và đang triển khai, cũng như triển khai nhanh những chỉ đạo mới từ Tung ương.

Phân tích trên biểu đồ dịch, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức cho biết, số ca F0 tại TP Hồ Chí Minh đang đi ngang đúng như dự báo. Nếu thực hiện nghiêm các quy định, cộng thêm sự hợp tác đầy đủ của người dân, sự nỗ lực của các lực lượng thì tình hình dịch bệnh tại thành phố sẽ sớm ổn định và có chuyển biến tích cực.

Quay trở lại giữa tháng 6, khi số ca mắc bắt đầu leo thang trên 100 ca/ngày, TP Hồ Chí Minh chưa bao giờ nghĩ sẽ phải đối mặt với một tình thế dịch lan nhanh và ngấm sâu tới mức lên tới 4.000-5.000 ca nhiễm/ngày, trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước. Thành phố đã có nhiều điều chỉnh, thay đổi chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 ở nhiều khâu từ xét nghiệm, truy vết, điều trị, đến chiến lược tiêm vaccine. Sự thay đổi và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch đã từng bước mang lại cho thành phố những “quả ngọt” ban đầu.

Công tác chăm lo người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 luôn được Thành phố quan tâm (Ảnh: N.T)
Công tác chăm lo người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 luôn được Thành phố quan tâm (Ảnh: N.T)

Công tác xét nghiệm tầm soát đã có sự thay đổi từ chiến lược “bao vây” chuyển thành xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, vì thế đã tăng hiệu quả phát hiện ca F0 mới. Thành phố tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo mức độ nguy cơ; chấn chỉnh quy trình lấy mẫu - gửi mẫu - trả kết quả xét nghiệm nên đã bảo đảm kết quả xét nghiệm được trả sớm nhất, tạo điều kiện cho công tác khoanh vùng, truy vết nhanh chóng, kịp thời.

Thành phố cũng cho triển khai thực hiện cách ly F1, F0 tại nhà, qua đó góp phần giảm tải cho các khu cách, khu điều trị. Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu khi có dấu hiệu chuyển nặng của các trường hợp F0 khi cách ly tại nhà, UBND Thành phố đã triển khai các hoạt động nâng cao năng lực của Trung tâm Cấp cứu 115 với việc chuyển trung tâm tiếp nhận cuộc gọi lên Khu công viên phần mềm Quang Trung với quy mô 40 đường dẫn điện thoại; bổ sung thêm xe cấp cứu cho Trung tâm Cấp cứu 115.

Nâng cao thêm một tầng điều trị, nỗ lực giảm tối đa tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân nặng

Trong đợt bùng phát dịch thứ 4, TP Hồ Chí Minh nhiều lần thay đổi kịch bản và mô hình chống dịch. Trên mô hình tháp điều trị 4 tầng, để đối phó với số ca nhiễm tăng nhanh, đặc biệt ở tầng trên cùng, thành phố đã quyết định chuyển đổi mô hình điều trị từ tháp 4 tầng sang mô hình tháp 5 tầng để bảo toàn tính mạng của các F0. Trong đó, tầng 5 đặc biệt dồn nhân lực tinh nhuệ nhất và trang thiết bị hiện đại nhất để cứu những ca bệnh nặng, nguy kịch. Đây được coi là một chiến lược mới quan trọng để thành phố từng bước chủ động hơn nữa trong điều trị, đáp ứng cho kịch bản hơn 100.000 ca mắc.

Sự kiện đánh dấu một tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống lại đại dịch đầy cam go của TP Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây là hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 được xuất viện về nhà. Trong đó, đáng chú ý là hàng chục bệnh nhân nguy kịch đầu tiên được chữa khỏi ngay tại "tầng thứ 5" của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh.

Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh ra đời trong một tình thế cấp bách nhưng chỉ trong thời gian ngắn đi vào hoạt động, các y, bác sĩ với chủ lực là Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên tiếp tạo nên những kỳ tích trong lĩnh vực điều trị.  

TS, BS chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, trong thời gian vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân, đã có 83 bệnh nhân nặng, nguy kịch chuyển sang cấp nhẹ hơn và được chuyển sang các bệnh viện cấp nhẹ hơn để tiếp tục điều trị. 17 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và đủ điều kiện xuất viện.
 

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh có gần 30 bệnh nhân nặng đã xuất viện (Ảnh: BV Chợ Rẫy).
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh có gần 30 bệnh nhân nặng đã xuất viện (Ảnh: BV Chợ Rẫy).

Chiều tối 2-8, số giường điều trị của Bệnh viện hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã được nâng lên 5.000 giường để kịp thời đáp ứng nhu cầu bệnh nhân chuyển lên từ các tuyến dưới. Dự kiến, số giường dần lên đến 700 trong những ngày tới, khi được Bộ Y tế tăng cường trang thiết bị và nhân lực. Các y bác sĩ đang túc trực điều trị ở bệnh viện đều làm việc với tinh thần quyết tâm cao nhất để hồi sức cho bệnh nhân.

Mục tiêu quan trọng nhất trong thời gian tới của TP Hồ Chí Minh chính là công tác điều trị, hạn chế tối đa tử vong. Để đạt được mục tiêu này,  Bộ Y tế, các bệnh viện lớn của Trung ương đã có mặt, sẵn sàng chia lửa, tạo mọi điều kiện cho TP Hồ Chí Minh bằng cách thành lập các trung tâm Hồi sức tích cực điều trị Covid-19.

Hai bệnh viện tuyến Trung ương là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy đã chi viện hàng trăm cán bộ y tế, gấp rút hoàn thiện và đưa vào sử dụng thêm 2 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 đặt tại các bệnh viện dã chiến với mục tiêu “4 tại chỗ”, quyết tâm cao nhất giữ lại tính mạng cho hàng trăm bệnh nhân nguy kịch đang phải nằm điều trị ở tầng 5.

Đến nay, ngành y tế đã huy động hơn 10.000 nhân lực bao gồm cả y tế công, tư và các tình nguyện viên hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh chống dịch. Nhiều chuyến tàu đặc biệt đã vận chuyển các trang thiết bị hiện đại nhất chi viện từ các tỉnh, thành phố trên cả nước để dàn một thế trận sẵn sàng, tiềm lực nhất chống dịch.

Ngành y tế huy động nhân lực tinh nhuệ nhất điều trị các ca bệnh nặng.
Ngành y tế huy động nhân lực tinh nhuệ nhất điều trị các ca bệnh nặng.

Trong khi đó, với sự thay đổi trong thu dung, phân loại F0 ở tầng thấp nhất, giảm tối đa nguy cơ tử vong khi bệnh nhân chưa được tới viện, TP Hồ Chí Minh triển khai các cơ sở cách ly tập trung cho F0 tại từng địa bàn quận, huyện. Đồng thời, thành phố phối hợp với mạng lưới Thầy thuốc đồng hành (điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam) thực hiện tư vấn cho người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng.

Dựa vào thông tin hàng ngày của tất cả F0 và F1 trên kho dữ liệu chung, mạng lưới sẽ phân chia các trường hợp này cho bác sĩ để chủ động liên hệ sàng lọc tình trạng bệnh, phân loại mức nguy cơ, từ 0 đến 4, nhưng vẫn đảm bảo bí mật thông tin người bệnh.

Tăng tốc tiêm vaccine để tăng miễn dịch cộng đồng

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, trọng tâm những ngày tới là siết chặt, tăng cường thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Thành ủy và công văn 2468 của UBND Thành phố với quyết tâm cao nhất nhằm kiểm soát lây nhiễm.

Để làm được điều đó, thành phố phải mở đợt tuyên truyền đặc biệt vận động trong toàn thể người dân cùng thành phố đoàn kết, quyết tâm nêu cao tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài vững chắc, chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh bằng cách không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết, không tiếp xúc với người ngoài gia đình, nghiêm chỉnh chấp hành 5k để bảo vệ bản thân và gia đình.

TP Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine cho hơn 1,7 triệu người (Ảnh: Mạnh Linh).
TP Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine cho hơn 1,7 triệu người (Ảnh: Mạnh Linh).

Thành phố sẽ tổ chức cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng hộ gia đình khó khăn; tiếp tục tập trung cao nhất để chia sẻ, hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu cơ bản thiết yếu của bà con.

Với những nỗ lực tạo miễn dịch cộng đồng một cách nhanh nhất, TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi đưa vaccine về nhiều, sao cho đến cuối tháng 8-2021, thành phố có khoảng 70% những người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm hơn 1,7 triệu liều vaccine cho người dân; riêng đợt 5 đã triển khai gần 800.000 liều. Với kế hoạch tiêm chủng đợt 5 điều chỉnh, TP Hồ Chí Minh đã linh hoạt bố trí điểm tiêm tại các khu phong tỏa, tổ chức tiêm lưu động.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm 14 ngày kể từ 0 giờ ngày 2-8 để siết chặt, kéo giảm số ca mắc, tập trung cho công tác điều trị người bệnh. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết nếu xem cuộc chiến với đại dịch Covid-19 là cuộc chiến để bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người thì những khó khăn gian khổ tạm thời sẽ là thử thách buộc thành phố phải vượt qua.

TP Hồ Chí Minh bảo đảm hàng hóa cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội
TP Hồ Chí Minh bảo đảm hàng hóa cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội

(Theo nhandan.vn)


 

.
.
.