Thứ Bảy, 14/08/2021, 11:17 (GMT+7)
.

Tiêm vaccine Covid-19 cho thai phụ: Nhiều lợi ích hơn nguy cơ

Bộ Y tế vừa ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời về khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine Covid-19, trong đó bổ sung phụ nữ mang thai trên 13 tuần tuổi có thể tiêm vaccine Covid-19 tại cơ sở y tế có cấp cứu sản khoa. Quy định này được nhiều người đồng tình, hưởng ứng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thai phụ băn khoăn về tác động của vaccine Covid-19 lên thai nhi sau tiêm.

Đối tượng cần được ưu tiên

Vì mang thai nên thời gian này, chị Đinh Thị Hằng (36 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) rất hạn chế ra ngoài. Mới đây, hay tin Bộ Y tế cho phép phụ nữ mang thai trên 13 tuần tuổi có thể tiêm vaccine, chị Hằng rất vui và dự định đăng ký tiêm vaccine. Song, sau khi nghiên cứu chị lo ngại vaccine sẽ có những tác động không tốt lên thai kỳ và em bé trong bụng. Cũng như chị Hằng, chị Nguyễn Yến Ngọc (30 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) đang mang thai ở tháng thứ 8 cũng khá băn khoăn trước việc liệu có nên tiêm vaccine Covid-19 hay không. 

Trước băn khoăn này, PGS-TS-BS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Bộ môn Phụ sản, Trường Đại học Y Dược TPHCM nhìn nhận, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn phụ nữ không mang thai, nhất là những thai phụ bị béo phì và đái tháo đường. Nguyên nhân do những thay đổi sinh lý và chuyển hóa của cơ thể khi mang thai. Ngoài ra, phụ nữ mang thai khi mắc Covid-19 sẽ tăng nguy cơ suy hô hấp nặng, phải nhập hồi sức cấp cứu, thậm chí là can thiệp cả kỹ thuật ECMO.

Ngoài ra, khi thai phụ mắc Covid-19 sẽ làm tăng nguy cơ tiền sản giật, sinh non, thai chậm tăng trưởng và tăng tỷ lệ mổ lấy thai. Do đó, phụ nữ mang thai cần được tư vấn đầy đủ, đánh giá lợi ích và nguy cơ để quyết định tiêm vaccine. Các nước trên thế giới hiện nay đều khuyến cáo tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai, đặc biệt tại các khu vực dịch đang bùng phát mạnh. “Phụ nữ mang thai là đối tượng nên ưu tiên tiêm vaccine để bảo vệ sức khỏe cho cả bà mẹ, thai nhi lẫn cộng đồng”, PGS-TS-BS Vương Thị Ngọc Lan khẳng định.

PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện (BV) Hùng Vương, nhận định, từ khi dịch bùng phát trên diện rộng, số lượng mắc Covid-19 ở đối tượng này bắt đầu tăng nhanh. Với sự chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM, BV Hùng Vương đã triển khai đơn vị điều trị Covid-19 cho thai phụ. Sau khi đưa vào hoạt động, số thai phụ mắc Covid-19 chuyển đến điều trị liên tục tăng, trung bình 180 - 200 ca/ngày.

“Thai phụ có nhu cầu oxy nhiều hơn bình thường nên khi mắc Covid-19, phổi bị tổn thương dễ gây khó thở và suy hô hấp nhanh, nếu không can thiệp kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng mẹ và bé. Thời gian qua, số ca bệnh trở nặng khá nhiều và diễn tiến suy hô hấp nhanh. Do đó, việc tiêm vaccine cho thai phụ trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp là rất cần thiết”, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết khuyên.

Chị Võ Kim Ngân (quận Bình Thạnh, TPHCM) tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Từ Dũ chiều 13-8. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chị Võ Kim Ngân (quận Bình Thạnh, TPHCM) tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện Từ Dũ chiều 13-8. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phụ nữ đang cho con bú cũng có thể tiêm vaccine

Theo hướng dẫn tiêm chủng hiện hành của Bộ Y tế, tất cả vaccine Covid-19 tại Việt Nam đều có thể tiêm phòng cho phụ nữ mang thai, trừ vaccine Sputnik V. Liên quan đến tác động của vaccine Covid-19, theo PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai khi tiêm vaccine Covid-19 sẽ tạo ra kháng thể, kháng thể đi qua máu cuống rốn, em bé nhờ đó cũng nhận được kháng thể Covid-19 từ mẹ. Bên cạnh đó, vaccine không đi qua sữa mẹ, người mẹ tiêm vaccine Covid-19 có thể tạo ra kháng thể, em bé bú mẹ có thể nhận kháng thể thụ động từ nguồn sữa mẹ. Vì thế, không chỉ phụ nữ mang thai mà phụ nữ đang cho con bú cũng có thể tiêm vaccine Covid-19 mà không cần ngưng cho bé bú sau tiêm.

PGS-TS-BS Vương Thị Ngọc Lan cho rằng, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phụ nữ mang thai có thể tiêm vaccine như người bình thường và chưa ghi nhận nguy cơ có vấn đề bất thường đối với phụ nữ và thai nhi, so với phụ nữ không mang thai. Nghiên cứu trên 30.000 thai phụ của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) của Mỹ cho thấy, chưa ghi nhận tác dụng phụ và tác động nào cho thai kỳ và thai nhi.

“Tuy nhiên, do vaccine Covid-19 còn khá mới, mới đưa vào sử dụng từ tháng 12-2020 đến nay và vẫn chưa đủ dữ liệu để đánh giá mức độ an toàn về lâu dài. Do đó, thai phụ nên cân nhắc giữa 2 yếu tố lợi ích, nguy cơ và cần được thăm khám, tư vấn kỹ trước khi tiêm vaccine Covid-19”, PGS-TS-BS Ngọc Lan thông tin.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu phụ nữ mang thai đang làm công việc có nguy cơ lây nhiễm cao, sinh sống trong vùng dịch và đang mang thai tuần thứ 13 trở lên hoặc phụ nữ đang cho con bú cần thực hiện tiêm vaccine Covid-19 ngay khi có cơ hội. Cần lưu ý, bất kỳ ai sau khi tiêm vaccine nếu tiếp xúc với người nhiễm vẫn có thể mắc Covid-19 nhưng tránh nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong. Dù được tiêm vaccine hay không, mỗi người cần tuân thủ 5K và thực hiện nghiêm quy định phòng dịch của cơ quan y tế và địa phương.

Thai phụ tiêm vaccine Covid-19 ở đâu?

Theo quy định của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai cần được tiêm vaccine Covid-19 ở các cơ sở y tế có cấp cứu sản khoa. Tại TPHCM, BV Đại học Y Dược, BV Hùng Vương và BV Từ Dũ là các đơn vị đầu tiên triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho phụ nữ mang thai. Một số đơn vị y tế tư nhân như BV Mỹ Đức, BV Tâm Anh… cũng đang xin phép Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM thực hiện tiêm vaccine cho thai phụ. Về chi phí, vaccine Covid-19 hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên, thai phụ sẽ trả một số chi phí do BV đưa ra như phí test Covid-19, khám thai, siêu âm, tư vấn...

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng vaccine Covid-19 ở phụ nữ mang thai, khi lợi ích của việc tiêm chủng với phụ nữ mang thai lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn. Để giúp phụ nữ mang thai nhận biết, cần cung cấp thông tin cho họ về nguy cơ mắc Covid-19 trong thời kỳ mang thai, lợi ích của việc tiêm chủng và hạn chế hiện tại về số liệu an toàn ở phụ nữ mang thai. WHO không khuyến cáo xét nghiệm chẩn đoán mang thai trước khi tiêm chủng. WHO cũng không khuyến cáo trì hoãn việc mang thai hay đình chỉ thai nghén vì lý do tiêm phòng Covid-19.

(Theo www.sggp.org.vn)
 

.
.
.