.

5 bài học kinh nghiệm được Chính phủ rút ra từ thực tiễn phòng chống COVID-19

Cập nhật: 08:49, 13/11/2021 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sau 2 năm chống dịch, Việt Nam đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đã có những sự trả giá, đã có những mặt còn hạn chế, tuy nhiên từ những kinh nghiệm đó, chúng ta dần thích ứng, hiểu rõ hơn để khắc chế dịch bệnh này.

Trước khi kết thúc chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 12/11, Quốc hội đã dành thời gian để các ĐBQH chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về một số vấn đề đang được cử tri, nhân dân quan tâm, trong đó có công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trả lời ĐBQH Trịnh Xuân An - ĐBQH tỉnh Đồng Nai về việc hiện nay Việt Nam đã chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh gắn với phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, Việt Nam đã có những kinh nghiệm, bài học gì rút ra được trong quá trình chống dịch vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Trong đó, có 5 bài học kinh nghiệm được Chính phủ rút ra từ đợt phòng chống dịch vừa qua.

Thứ nhất là cách tiếp cận phòng, chống dịch theo hướng toàn dân, lấy người dân là trung tâm và chủ thể phòng, chống dịch, từ đó triển khai các chính sách đều hướng tới người dân. Ngược lại, người dân cũng tham gia phòng, chống dịch một cách chủ động.

Trên thực tế, khi dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã triển khai ngay biện pháp "mỗi xã, phường là một pháo đài chống dịch", biện pháp này đã ghi nhận hiệu quả tích cực. Tuy vậy, khi tổ chức thực hiện cũng có một số địa phương hiểu sai bản chất, gây ách tắc, ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân.

Thứ hai, Thủ tướng cho biết việc phòng, chống dịch hiệu quả còn được hỗ trợ từ tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Thứ ba, các địa phương đã ứng phó linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh dù đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ. Khi nhận thấy năng lực y tế cấp cơ sở yếu, lập tức quân đội và công an được điều động bổ sung hỗ trợ. Theo Thủ tướng, dù vẫn còn một số hạn chế nhưng việc huy động quân đội và công an vào công tác phòng, chống dịch là một kinh nghiệm tốt.

Thứ tư, khi chưa đủ vaccine để ngăn chặn dịch bệnh, các chính sách an sinh xã hội đã góp phần giúp người dân an tâm, phối hợp cùng chính quyền chống dịch.

Trong thời gian tới, khi tình hình dịch bệnh cải thiện, Thủ tướng cho biết sẽ có tổng kết để đưa ra bài học vận dụng về riêng vấn đề này.

Kinh nghiệm thứ năm được Thủ tướng nhắc tới đó là ngoài việc sử dụng nguồn lực trong nước, Việt Nam đã huy động được sự giúp đỡ của quốc tế, đặc biệt trong vấn đề vaccine.

Hiện nay, quá trình sản xuất vaccine trong nước cũng đang được thúc đẩy. Đã có 2 hội đồng độc lập với quản lý Nhà nước là Hội đồng đạo đức và Hội đồng cấp phép được thành lập để tham gia vào quá trình sản xuất vaccine. Lãnh đạo Chính phủ khẳng định việc sản xuất vaccine trong nước phải đảm bảo vấn đề an toàn.

"Vaccine là vũ khí quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh, nên chúng ta phải làm mọi biện pháp để đạt được. Có thể nói, chúng ta đang đi hai chân trong vấn đề vaccine, vừa đàm phán mua từ quốc tế vừa nghiên cứu sản xuất trong nước" - người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Cùng giải đáp một số chất vấn của ĐBQH liên quan vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thêm: "Sau 2 năm chống dịch, chúng ta đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đã có những sự trả giá, đã có những mặt còn hạn chế, từ những kinh nghiệm đó, chúng ta dần thích ứng và hiểu rõ hơn về dịch bệnh này. Chúng ta đã đưa ra được các trụ cột phòng chống dịch như: cách ly nhanh chóng, xét nghiệm khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và tốc độ; cuối cùng là điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở, giảm tỷ lệ tử vong. Và Việt Nam đã hình thành ra được công thức phòng chống như: 5K + Vaccine, thuốc điều trị, các biện pháp điều trị, công nghệ, đặc biệt là đề cao ý thức của nhân dân".

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống

.
.
.