.

Làm sao khi mất khứu giác, vị giác do mắc Covid-19?

Cập nhật: 10:03, 29/11/2021 (GMT+7)

Chị Lê Thanh N., 27 tuổi, nhà ở phường 8, TP. Mỹ Tho, được chẩn đoán là F0, ba ngày đầu chỉ sốt, đau nhức người, đến ngày thứ tư đột nhiên không còn ngửi được mùi, miệng cảm giác lạt nhẽo… Chị lo lắng hỏi bác sĩ điều trị và được trả lời: “Triệu chứng mất mùi vị rất hay gặp ở người mắc bệnh Covid-19, nhưng không phải là dấu hiệu nặng, đa số sẽ tự hết sau một thời gian”.

Theo thống kê, khi mắc Covid-19, có 41% bệnh nhân không ngửi được mùi, 62% không cảm nhận được vị; trong đó, ¼ bệnh nhân xuất hiện tình trạng mất mùi vị trong 3 ngày đầu tiên, làm người bệnh chán ăn. Chứng chán ăn sẽ gia tăng nguy cơ sụt cân, suy kiệt, hậu quả cuối cùng là giảm sức đề kháng. Bình thường để ngửi thấy mùi ở mũi và nếm được các vị ở lưỡi, con người phải nhờ đến hệ thần kinh dẫn truyền và thần kinh cảm giác từ các tế bào phụ trách mùi vị, từ đó đưa lên não để não xử lý và cho biết các thông tin mùi vị như thế nào.

Có ba nguyên nhân làm bệnh nhân Covid-19 không ngửi được. Thứ nhất, do tắc nghẽn khe hở khứu giác, gặp ở 95% bệnh nhân. Khe hở khứu giác gồm những xương xoắn mũi, giới hạn các ngách mũi thông với các xoang xương lân cận tạo nên những đoạn hẹp. Khi các khe này bị sưng tấy, tắc nghẽn do viêm, sẽ không cho không khí đi qua, làm người bệnh không ngửi được mùi. 

Thứ hai, tổn thương tại chỗ tế bào khứu giác. Vi rút Corona muốn tấn công tế bào của cơ thể nó cần có điểm bám dính, từ đó xâm nhập vào bên trong tế bào con người. Các nhà khoa học đã xác định điểm bám dính để vi rút Corona xâm nhập là các thụ thể protein enzyme chuyển đổi angiotensin (ACE 2) và hoạt động phân giải protein của các men protease của vật chủ như TMPRSS2. Các thụ thể ACE 2 này có rất nhiều ở tế bào phổi và tế bào khứu giác. Tế bào khứu giác bị viêm và tổn thương, nhất là tế bào hỗ trợ của biểu mô khứu giác, dẫn đến sưng nề và thay đổi cân bằng trao đổi chất của tế bào, từ đó người bệnh không nhận được mùi nữa.

Thứ ba, đường dẫn truyền tín hiệu mùi của dây thần kinh khứu giác bị tổn thương. Mặc dù thần kinh khứu giác hoàn toàn không có thụ thể ACE 2, nên vi rút không tấn công trực tiếp thần kinh, mà nó bị tổn thương gián tiếp qua phản ứng viêm mạch máu nuôi dây thần kinh, giảm tưới máu mô thần kinh. Phản ứng viêm này cũng tạo ra các chất độc hại cho thần kinh, góp phần ngăn cản tín hiệu dẫn truyền của dây thần kinh.

Còn đối với mất vị giác, các nhà khoa học đã tìm thấy có rất nhiều thụ thể ACE 2 ở các tế bào biểu mô của lưỡi, giống như ở phổi và khứu giác. Lúc đó tế bào vị giác bị viêm và tổn thương, làm người bệnh không cảm nhận được vị của thức ăn.

Trung bình triệu chứng mất mùi vị sẽ hết sau 10 ngày ở người bệnh Covid-19 nhẹ, với 89% bệnh nhân khỏi hoàn toàn sau 4 tuần kể từ khi được chẩn đoán. Tuy nhiên, một số ít bệnh nhân bị mất mùi kéo dài đến 40 ngày sau khi chẩn đoán và một tỷ lệ nhỏ 5% không cải thiện.  

Mất mùi vị ngắn hạn không cần điều trị vì sẽ tự khỏi. Nếu triệu chứng này kéo dài thì phải điều trị bằng phương pháp “Huấn luyện khứu giác liên quan đến Covid-19”. Nếu kiên trì tập luyện, bệnh nhân có thể cải thiện khứu giác sau 3 tháng, 6 tháng và thậm chí lên đến 1 năm.

Trong một số trường hợp, thuốc xịt steroid cũng có thể được sử dụng để cải thiện tốt hơn. Điều trị mất vị giác cũng tương tự như mất mùi, người ta huấn luyện bệnh nhân nếm lần lượt các vị cơ bản, kiên trì tập luyện sẽ thành công.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

.
.
.