Tiền Giang: Hướng dẫn quy trình quản lý, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà
(ABO) Ngày 26-11-2021, Sở Y tế Tiền Giang ban hành Công văn 6519 hướng dẫn quy trình quản lý, theo dõi, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà.
QUY TRÌNH QUẢN LÝ, THEO DÕI, ĐIỀU TRỊ NGƯỜI NHIỄM COVID TẠI NHÀ
1. Đối tượng quản lý tại nhà
a) Người nhiễm COVID-19 (F0) mới là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính, đủ điều kiện cách ly tại nhà.
b) Điều kiện cách ly tại nhà: Người nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà phải hội đủ 02 tiêu chí lâm sàng sau:
(1) Không có triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút.
(2) Độ tuổi từ 12 tháng tuổi đến 50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì. Đối với những trường hợp không thỏa điều kiện này vẫn có thể xem xét cách ly tại nhà nếu có bệnh nền ổn định, bảo đảm tiêm đủ liều vắc xin hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên.
- Có khả năng tự chăm sóc: người F0 có thể tự chăm sóc bản thân (như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…); biết cách đo thân nhiệt; có khả năng tự dùng thuốc theo đơn của bác sĩ; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.
- Trong gia đình không có người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì, có thai…).
2. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người F0 tại nhà
Hoạt động 1. Xác định, lập danh sách người F0 tại nhà trên địa bàn
1. Trạm y tế phường, xã, thị trấn tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn từ nhiều nguồn khác nhau: phần mềm quản lý chuỗi lây nhiễm (CDS) để đưa vào danh sách quản lý.
2. Nhập thông tin người F0 trên phần mềm máy tính. Chuyển thông tin F0 (họ tên, số điện thoại của F0, số điện thoại của người nhà F0, địa chỉ cư trú, tình trạng hiện tại, tiền sử tiêm văc xin, bệnh nền nếu có) cho các cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà được phân công trên phần mềm hoặc file exel trong vòng 4-6 giờ kể từ khi tiếp nhận thông tin F0.
Hoạt động 2. Hướng dẫn F0 tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà
Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0, cơ sở quản lý người nhiễm COVID -19 tại nhà được phân công quản lý F0 phải tiếp cận F0 hoặc gia đình F0 để đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà. Trong trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà, phát tờ rơi hướng dẫn tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà, phát thuốc (nếu có).
Các thuốc cho người nhiễm Covid tại nhà gồm:
- Paracetamol dùng khi bị sốt/đau mỏi cơ/đau đầu: trẻ em 10 đến 15 mg/Kg cân nặng/lần, ngày 2-4 lần. Người lớn: 500 mg hoặc 650 mg ngày 2-4 lần.
- Thuốc cân bằng điện giải: Dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
- Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng, vitamin tổng hợp có một trong các thành phần sau: vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D.
- Thuốc sát khuẩn hầu họng: Natri clorit nhỏ mũi, họng (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối).
- Thuốc chống viêm corticosteroid đường uống: lựa chọn một trong các thuốc sau: Dexamethason 0,5mg (viên nén) Methylprednisolon 16mg (viên nén) Prednisolon 5mg (viên nén). Thuốc corticosteroid phải được bác sỹ kê đơn theo quy định tại Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) được ban hành kèm theo Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Hoạt động 3. Theo dõi sức khỏe F0 và khám chữa bệnh tại nhà
a) Theo dõi sức khỏe F0 mỗi ngày, cập nhật diễn tiến bệnh để quản lý.
b) Luôn sẵn sàng tiếp nhận điện thoại của người F0 để tư vấn hoặc khám chữa bệnh tại nhà trong trường hợp cần can thiệp y tế hoặc không liên hệ được.
Hoạt động 4. Xét nghiệm cho người F0 cách ly tại nhà
Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS- CoV-2) cho F0 vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, lập danh sách báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID -19 phường, xã, thị trấn để cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly.
Lấy mẫu xét nghiệm (RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS- CoV-2) cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 khi có triệu chứng nghi mắc COVID -19.
Hoạt động 5. Xử trí cấp cứu, chuyển viện cho người F0 cách ly tại nhà
Khi F0 cách ly tại nhà có các dấu hiệu chuyển nặng, nhân viên y tế xã hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh, đồng thời liên hệ Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, huyện, thành phố để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.
Các dấu hiệu chuyển nặng:
Đối với người lớn: Khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 25 lần/ phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 94%.
Đối với trẻ em: Thở nhanh theo tuổi (1-5 tuổi: ≥ 40 lần/ phút, 5-12 tuổi: ≥ 30 lần/ phút, >12 tuổi: ≥ 20 lần/ phút), cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ ăn uống, tím tái đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có đo)./.
TÀI LIỆU (TỜ RƠI) DÀNH CHO NGƯỜI NHIỄM COVID-19
Bốn bước theo dõi, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà
Ghi tên Trạm Y tế, số điện thoại, sau đó photocopy gửi cho người nhiễm COVID-19 hoặc người nhà để biết và thực hiện)
Số điện thoại của Trạm Y tế, nhân viên y tế để liên hệ khi cần (24/24 giờ)
Trạm Y tế…………………………………………….
Điện thoại bàn:……………………………………..
Điện thoại di động…………………………………….
Khi Ông/bà/bạn và người thân nghi nhiễm hoặc đã nhiễm COVID-19, xin dành thời gian đọc và thực hiện các bước sau:
Bước 1. Nhận biết các triệu chứng của COVID-19
Các triệu chứng điển hình của COVID-19: sốt, ho, đau họng, mất khứu giác/vị giác, đau cơ, đau đầu. Nếu bạn có các triệu chứng trên, hãy gọi điện cho nhân viên y tế, Trạm Y tế gần nhất để được tư vấn và xét nghiệm.
Các triệu chứng nặng của COVID-19: khó thở, không thể ra khỏi giường hay tự chăm sóc bản thân, đau ngực, hoa mắt, chóng mặt, lờ đờ.
Nếu bạn hoặc bất cứ người nào bạn quen biết có các triệu chứng nặng của COVID-19, hãy gọi điện cho nhân viên y tế, Trạm Y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Bước 2. Tự chăm sóc bản thân
Người nhiễm cần nghỉ ngơi trong phòng riêng, thông thoáng khí (nếu có thể), hoặc đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m với người khác.
Đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng.
Uống nhiều nước để cơ thể không mất nước.
Luôn đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với người khác.
Đo thân nhiệt ngày 2-4 lần bằng nhiệt kế: khi thân nhiệt ≥ 38 độ C, sử dụng thuốc hạ số Paracetamol, lau mát.
Không tự ý dùng thuốc khi không có chỉ định của nhân viên y tế.
Các thuốc sau đây được sử dụng:
- Paracetamol dùng khi bị sốt/đau mỏi cơ/đau đầu: trẻ em 10 đến 15 mg/kg cân nặng/lần, ngày 2-4 lần. Người lớn: 500 mg hoặc 650 mg ngày 2-4 lần.
- Thuốc cân bằng điện giải: Dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
- Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng, Vitamin tổng hợp có một trong các thành phần sau: vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D.
- Thuốc sát khuẩn hầu họng: Natri clorit nhỏ mũi, họng (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối)
Nếu bạn cảm giác khó thở, không thể ra khỏi giường, không thể tự chăm sóc bản thân, đau ngực, hoặc hoa mắt, chóng mặt, lờ đờ, hãy gọi ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ.
Bước 3. Bảo vệ những người sống cùng
Luôn giữ khoảng cách với người khác, ở trong phòng riêng, thông thoáng khí. Nếu không có phòng riêng, hãy giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Người bệnh và tất cả mọi người trong nhà cần luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc.
Sử dụng riêng các đồ dùng ăn, uống, sinh hoạt.
Thường xuyên rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay khô.
Để riêng rác thải vào trong thùng rác có nắp đậy và loại bỏ rác thải riêng.
Người chăm sóc cần đeo khẩu trang y tế và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước.
Mở cửa sổ để phòng luôn thông thoáng.
Bước 4. Theo dõi nồng độ oxy (SpO2) bằng máy đo cầm tay.
Nếu bạn có máy đo nồng độ oxy (SpO2) cầm tay, hãy hỏi nhân viên y tế hoặc xem trên Youtube để được hướng dẫn sử dụng. Đo nồng độ oxy 2 đến 4 lần một ngày, hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Bất kể nồng độ oxy của bạn là bao nhiêu, nếu bạn cảm giác khó thở, không thể ra khỏi giường hay tự chăm sóc bản thân, đau tức ngực, hoặc bạn cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, hãy gọi ngay cho nhân viên y tế để được hỗ trợ.
- Nếu nồng độ oxy trên 95%, hãy tiếp tục theo dõi nồng độ oxy của bạn.
- Nếu nồng độ oxy của bạn bằng hoặc ít hơn 95%:
+ Hãy gọi ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn, hỗ trợ chăm sóc y tế.
+ Dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, nhân viên y tế.
+ Thay đổi các tư thế nằm trên giường: nằm sấp, nằm nghiêng, và ngồi thẳng lưng, mỗi lần khoảng 2 giờ.
Khi Ông/bà/bạn có bất kỳ vấn đề gì cần thiết, xin gọi ngay số điện thoại nêu trên để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Cảm ơn Ông/bà/bạn đã quan tâm, hợp tác.
Cùng chung tay đẩy lùi đại dịch COVID, mỗi người hãy thực hiện:
- Tiêm vắc xin đầy đủ.
- Thực hiện 5K (Khẩu trang, Không tụ tập đông người, Khoảng cách xa ít nhất 2 mét, Khử khuẩn, Khai báo ý tế)./.