Tiền Giang: Chủ động, linh hoạt phòng, chống dịch bệnh Covid-19
(ABO) Theo Sở Y tế Tiền Giang, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng lên (ngày 17-11: 562 ca, ngày 18: 622 ca, ngày 19: 382 ca), xuất hiện các chùm ca, ổ dịch lớn với nhiều ca mắc, dẫn đến đánh giá cấp độ dịch cấp xã trên địa bàn tỉnh theo chiều hướng xấu với 38 xã cấp độ 1 (giảm 21 xã), 108 xã cấp độ 2 (tăng 10 xã), có 21 xã cấp độ 3 (tăng 9 xã) và 5 xã cấp độ 4 (tăng 2 xã).
Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực quyết liệt của các ngành các cấp, cấp độ dịch cấp tỉnh vẫn duy trì ở cấp độ 2; cấp huyện có 10 huyện cấp độ 2 (TP. Mỹ Tho giảm tử cấp 3 xuống cấp 2 so với tuần đánh giá trước), huyện Tân Phước cấp độ 3. Hiện có, 17.042 (73,78%) bệnh nhân đã được điều trị khỏi, 5.651 bệnh nhân đang được điều trị, trong số này có khoảng 60% (2.908) F0 được điều trị tại nhà.
Tất cả đơn vị cấp xã đã thành lập Trạm y tế lưu động. Tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 mũi 1 đối với người từ 18 tuổi trở lên là 99% và mũi 2 là 64,8%. Trong đó, tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 là 87,3% và tiêm đủ 2 mũi là 49,4%. Số công nhân và người lao động đã tiêm mũi 1 đạt 88,1% và tiêm đủ 2 mũi là 57,5%. Đã có 558 trẻ em trên địa bàn huyện Tân Phú Đông đã tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19.
Thời gian tới, ngành Y tế và các địa phương trong tỉnh chủ động, linh hoạt đề ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả điều trị và ứng phó với dịch Covid-19 như:
Tập trung cao độ, quyết liệt cho công tác phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là; huy động toàn hệ thống chính trị phòng, chống dịch. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc tuân thủ nghiêm 5K, ngay cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh.
Áp dụng ngay các biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn. Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch. Khi có ổ dịch xảy ra, phải khoanh vùng thật nhanh, phong tỏa hẹp nhất có thể, điều tra, truy vết thần tốc và xét nghiệm, trả kết quả nhanh để dỡ bỏ phong tỏa (thực hiện theo 3 trụ cột chống dịch: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch; điều trị tích cực từ sớm, từ xa).
Lập kế hoạch quản lý, xét nghiệm tầm soát định kỳ đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các địa bàn nguy cơ, đối tượng nguy cơ. Quản lý chặt địa bàn, xét nghiệm và thực hiện việc cách ly đúng quy định đối với người về từ vùng dịch (nhất là các địa phương có ca mắc cao).
Tổ Covid cộng đồng, chính quyền ấp (khu phố), chính quyền cấp xã quản lý chặt việc quản lý các đối tượng nguy cơ, phát động phong trào người dân hỗ trợ giám sát, phát hiện các đối tượng không thực hiện việc cách ly, xét nghiệm theo đúng quy định.
Tổ chức các đội tuần tra, kiểm soát phòng, chống dịch để kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Tiếp tục thẩm định, kiểm tra các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, công tác xét nghiệm tầm soát định kỳ cho người lao động, phương án xử lý khi có ca mắc xảy ra.
Triển khai đồng loạt việc cách ly, điều trị F0 tại cơ sở (tại nhà, trạm y tế…) đối với các F0 đủ điều kiện. Chủ động tổ chức các tổ hỗ trợ cách ly F0 tại cơ sở. Củng cố trạm y tế xã, liên xã để hỗ trợ F0 ngay từ cơ sở. Tổ chức tốt hoạt động của các Trạm Y tế lưu động.
Tăng cường nhân lực y tế theo dõi sát, phát hiện sớm dấu hiệu trở nặng của người bệnh. Nâng cao năng lực điều trị, hạn chế thấp nhất bệnh nặng chuyển tầng điều trị cao hơn. Tiêm vắc xin vét cho những người từ 18 tuổi trở lên. Khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin cho học sinh từ lớp 12 trở xuống lớp 7..., theo kế hoạch, đảm bảo điều kiện cho các em học trực tiếp khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
M.T