.
HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG AIDS 1-12-2021:

Tạo điều kiện để người nhiễm HIV tiếp cận thuốc ARV

Cập nhật: 14:58, 01/12/2021 (GMT+7)

Tính đến ngày 31-10-2021, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có gần 6.000 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. Điều đáng lưu ý là hiện nay HIV không chỉ lây nhiễm trong nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao là người nghiện chích ma túy và gái mại dâm mà người mắc rất đa dạng ngành nghề.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Quốc Đạt (bên phải) trao thuốc ARV từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Quốc Đạt (bên phải) trao thuốc ARV từ Quỹ Bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS.

TÌNH HÌNH HIV/AIDS TẠI TIỀN GIANG

HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, từ ca nhiễm HIV phát hiện đầu tiên tại huyện Cái Bè vào năm 1992, đến ngày 31-10-2021, toàn tỉnh có 5.987 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện (4.045 người trong tỉnh và 1.942 người ngoài tỉnh), trong đó có 2.011 người tiến triển đến giai đoạn AIDS (trong tỉnh 1.767 người và ngoài tỉnh 244 người) và có 1.275 người chết do AIDS (trong tỉnh 1.221 người và ngoài tỉnh 54 người).

Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Quốc Đạt, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang, trong các nguyên nhân lây nhiễm HIV thì nhiễm HIV qua đường tình dục là nguyên nhân chiếm đa số các ca mắc, với 95,86%; lây truyền qua đường máu mà chủ yếu là do tiêm chích ma túy chiếm 2,07% và lây truyền từ mẹ sang con chiếm 1,49%; còn lại 0,58%  trường hợp nhiễm bệnh nhưng không rõ nguyên nhân.

Người nhiễm HIV hiện nay không chỉ dừng lại trong đối tượng người có hành vi nguy cơ cao như gái mại dâm và người tiêm chích ma túy mà rất đa dạng ngành nghề, có cả người lao động tự do, công nhân, nông dân và có xuất hiện trong đối tượng là công an, bộ đội, nhân viên hành chính, học sinh, sinh viên… Đặc biệt là HIV xuất hiện đáng báo động trong nhóm người có quan hệ tình dục đồng tính. Tỷ lệ này vào cuối năm 2005 là 0,44%, đến 2010 là 2,7% và đến tháng 10-2021 đã tăng lên mức gần 14%. Điều này cũng phù hợp về hình thái lây truyền, khi lây truyền qua đường tình dục tăng làm đa dạng hơn về ngành nghề của người nhiễm và nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng sẽ cao hơn.

Theo đánh giá của ngành Y tế Tiền Giang, tình hình phát hiện ca nhiễm HIV/AIDS năm 2021 cho thấy, HIV/AIDS trên địa bàn Tiền Giang giảm không đáng kể, với tổng số ca mắc trong 10 tháng đầu năm nay là 267 ca, giảm 6 ca so với cùng kỳ năm trước.

PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TRONG ĐIỀU KIỆN DỊCH COVID-19

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười đã ký ban hành Kế hoạch 355 về tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 trên địa bàn tỉnh từ ngày 10-11 đến 10-12.

Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đã và đang ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội trên thế giới cũng như Việt Nam, trong đó có chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Năm nay, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19 là vô cùng ý nghĩa. Dự báo dịch Covid-19 còn kéo dài và chúng ta có thể sẽ sống chung với vi rút SARS-CoV-2 trong tình hình mới, nên các địa phương cần tăng cường những hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19.

Kế hoạch tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 trên địa bàn tỉnh hướng tới mục tiêu tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 để tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Quốc Đạt cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công điện 97 ngày 29-1-2021 của Bộ Y tế, để bảo đảm người nhiễm HIV không bị gián đoạn điều trị thuốc ARV trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có những hướng dẫn cụ thể cho các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch xác định các phương án khả thi nhằm duy trì việc khám và cấp thuốc ARV cho người bệnh HIV/AIDS, người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) trong trường hợp có một hoặc nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS, điều trị PrEP bị cách ly.

Đối với tỉnh/thành phố có nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS, PrEP, nếu một hoặc một số cơ sở điều trị bị cách ly thì sẽ không tiếp nhận điều trị cho người bệnh HIV/AIDS, người điều trị PrEP đang điều trị tại các cơ sở này; phải tư vấn, hướng dẫn người bệnh đến điều trị tiếp tục tại cơ sở điều trị HIV/AIDS, PrEP phù hợp theo kế hoạch đã lập để giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho người bệnh HIV/AIDS.

Đối với tỉnh/thành phố chỉ có một cơ sở điều trị HIV/AIDS, PrEP mà bị cách ly thì Sở Y tế quyết định cơ sở y tế thay thế trong địa bàn tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm khám, cấp thuốc ARV cho người nhiễm HIV. Trong cả hai trường hợp trên, ưu tiên khả năng cấp phát thuốc ARV tại một số trạm y tế xã/phường phù hợp với bệnh nhân nhưng cần được đồng thuận của người bệnh và giữ bí mật danh tính cho người bệnh.

Trong trường hợp người bệnh đang điều trị thuốc ARV, người điều trị dự phòng PrEP bị cách ly thì cơ sở y tế đang theo dõi người bệnh chịu trách nhiệm cấp phát thuốc ARV cho người bệnh thông qua một cán bộ y tế được phân công hỗ trợ cho cơ sở cách ly. Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS có trách nhiệm điều tiết thuốc ARV giữa các cơ sở y tế trong tỉnh bao gồm cả các cơ sở chưa phải cơ sở điều trị nhưng được Sở Y tế giao nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp. Trường hợp người bệnh được chuyển đến khám và cấp thuốc tại tỉnh khác cũng như trên địa bàn tỉnh nào có cơ sở điều trị bị cách ly đề nghị khẩn cấp báo cáo về Cục Phòng, chống HIV/AIDS để hỗ trợ, điều phối.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Quốc Đạt cho biết: Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS thuộc Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang đang điều trị ngoại trú ARV cho hơn 2.000 bệnh nhân HIV trong và ngoài tỉnh, gần 100 người sử dụng ma túy điều trị Methadone. Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, nhiều bệnh nhân đang điều trị ARV đã không thể đến nhận thuốc do nằm trong khu phong tỏa của các huyện, do đó phòng khám đã cử nhân viên xác định địa chỉ, số điện thoại của bệnh nhân trong hồ sơ bệnh án để gửi thuốc về theo đường bưu điện cho họ.

Còn một số bệnh nhân điều trị ARV thông qua mạng lưới đồng đẳng viên, phòng khám cũng đã cho nhận thuốc thay để gửi về cho bệnh nhân. Đối với người bệnh dùng thuốc thay thế chất gây nghiện bị cách ly, phong tỏa, có thể chuyển thuốc cho cán bộ y tế tại nơi bị cách ly, phong tỏa với số lượng tối đa 7 ngày, để theo dõi cho uống thuốc mỗi ngày. Ngoài ra, bệnh nhân cần có những thông tin hướng dẫn gì liên quan đến bệnh HIV/AIDS có thể liên hệ qua số điện thoại của phòng khám 0273.3976.022.

Khoa Phòng, chống HIV/AIDS còn thực hiện các hoạt động phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tính đến 31-10-2021, toàn tỉnh điều trị ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho 16 phụ nữ mang thai nhiễm HIV; trong đó có 3 ca mới trong tháng 10; 9 phụ nữ mang thai nhiễm HIV uống ARV; 7 phụ nữ đã sinh con, với 5 bé có xét nghiệm HIV âm tính và 2 bé chưa có kết quả. Đặc biệt, Khoa Phòng chống HIV/AIDS còn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho 317 trường hợp.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS sẽ mở thêm cơ sở điều trị ARV tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy và Gò Công; mở thêm cơ sở điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại Trung tâm Y tế huyện Cái Bè và Trạm Y tế xã Tân Hương, huyện Châu Thành. Điều này sẽ giúp người có nguy cơ thuận tiện tiếp cận điều trị và dự phòng HIV hơn.

THỦY HÀ

.
.
.