.
CHƯƠNG TRÌNH SỨC KHỎE HỌC ĐƯỜNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025:

Hướng đến mục tiêu "Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh"

Cập nhật: 20:55, 10/02/2022 (GMT+7)

(ABO) Chiều 10-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tại điểm cầu Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu Tiền Giang, đồng chí Nguyễn Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Trước đó, ngày 2-10-2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1660 phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ em, học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trường chuyên biệt.

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay cả nước có trên 40.493 cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non với hơn 23 triệu trẻ em, học sinh. Bên cạnh sự quan tâm về giáo dục, trẻ em, học sinh vẫn cần và rất cần được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh tật thường gặp và các bệnh do chính yếu tố học đường gây ra.

Vì vậy, cần phải chăm sóc cho các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai một số chương trình, dự án nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các em như phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống suy dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm...

Tuy nhiên, sức khỏe học đường vẫn đang là vấn đề nhức nhối, cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho các em; trong đó bao gồm dinh dưỡng và bữa ăn học đường, nước sạch và vệ sinh trường học, bệnh học đường, giáo dục thể chất và thể thao trường học.

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 thể hiện sự quyết tâm và khát vọng của quốc gia vào việc chăm sóc cho thế hệ tương lai. Đây là bước khởi đầu cho một chương trình thiết thực, tổng thể và dài hạn về sức khỏe học đường, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, lựa chọn các nội dung ưu tiên đối với sức khỏe trẻ em, học sinh trên cả nước, tránh sự trùng lặp, triển khai chồng chéo.

Với chương trình này, hơn 23 triệu trẻ em, học sinh được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ trong trường học. Điều này sẽ tiết kiệm được khoản kinh phí lớn dành cho công tác điều trị, giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho gia đình và toàn xã hội, cải thiện tầm vóc, chất lượng giống nòi. Nguồn kinh phí tiết kiệm được sẽ tăng cường cho đầu tư phát triển. Học sinh có sức khỏe tốt sẽ học tập và thành đạt hơn trên con đường học vấn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang

Chương trình cũng tạo cơ chế chính sách, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm thu hút sự tham gia đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; huy động các nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh.

Lễ công bố chính thức kích hoạt chuỗi hoạt động truyền thông sức khỏe học đường do Bộ GD-ĐT thực hiện, với sự phối hợp các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và lãnh đạo các địa phương cùng trên 41.950 trường học trên cả nước. Mục tiêu là cung cấp những bộ học liệu chuẩn cho hơn 23 triệu trẻ em, học sinh cả nước, từ đó kết nối gia đình - nhà trường và cộng đồng trong mục tiêu chung vì một Việt Nam khỏe mạnh.

Bộ GD-ĐT cho biết, với thông điệp “Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh”, lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về sức khỏe học đường với chương trình tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện, cùng với đó là trách nhiệm và hy vọng lớn lao về những ngôi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh. Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khỏe mạnh, năng động, trưởng thành.

Tại lễ công bố, đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế ký kết chương trình phối hợp về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022 - 2026. Đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 - 2026.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương triển khai Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, theo tấm lòng của mỗi người. Xác định việc chăm sóc sức khỏe học sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả về chuyên môn để triển khai thực hiện, coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt. Gia đình và nhà trường phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ trong chăm sóc sức khỏe học sinh. Các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm hơn nữa, hành động tích cực, hiệu quả hơn nữa trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh.

Học sinh được chăm sóc sức khỏe toàn diện tại trường học
Hướng đến mục tiêu “Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh”. 

Tập trung nghiên cứu đánh giá thực tiễn, từ đó đưa ra các nhiệm vụ giải pháp phù hợp với từng vùng miền trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh; quan tâm đầu tư các điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh.

Chú trọng cải thiện bữa ăn cho học sinh, đặc biệt là những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; quan tâm giảm tải chương trình học, nhất là đối với cấp tiểu học để hiện thực hóa quan điểm “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ và đề nghị các bộ, ngành chức năng, các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa các nội dung, chỉ tiêu đã đề ra trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bảy tỏ sự cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các tổ chức quốc tế, các quốc gia đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học đường nói riêng và chăm sóc sức khỏe nhân dân Việt Nam nói chung. Cảm ơn các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, những người hảo tâm trong suốt những năm qua đã đồng hành cùng với Đảng, Nhà nước Việt Nam chăm lo cho sức khỏe cho người dân nói chung và chăm lo đến sức khỏe học đường nói riêng.

THỦY HÀ

 

.
.
.