.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19

Cập nhật: 08:41, 28/02/2022 (GMT+7)

Dịch Covid-19 tại Việt Nam cơ bản vẫn đang được kiểm soát, nhưng thời gian gần đây, số người mắc mới trong ngày tăng rất nhanh. Chính vì vậy, cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để kéo giảm số ca mắc mới, giảm số ca nặng và giảm áp lực cho hệ thống y tế.

Thống kê trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 cho thấy, kể từ đầu dịch đến ngày 27/2 Việt Nam có 3.321.005 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 30 trong tổng số 225 quốc gia và vùng lãnh thổ; bình quân cứ một triệu người có 33.619 ca nhiễm.

Ở thời kỳ cao điểm của dịch năm 2021, số ca mắc tập trung tại các tỉnh phía nam, nhưng hiện nay số ca mắc tập trung ở các tỉnh phía bắc; nhiều tỉnh, thành phố liên tục thiết lập các “kỷ lục” về số ca mắc trong ngày…

Trong bảy ngày qua, trung bình mỗi ngày cả nước có 67.986 trường hợp mắc Covid-19, trong khi bảy ngày trước đó con số là 37.670 trường hợp. Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số ca nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).

PGS, TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, số mắc tăng cao là khá quan ngại. Vì số mắc tăng dễ dẫn đến tăng số người nặng và tử vong và tạo áp lực lên hệ thống y tế.

Các nước từng bước nới lỏng các quy định là do hệ thống y tế đủ mạnh để ứng phó các tình huống, còn hệ thống y tế nước ta hiện nay chưa mạnh cho nên vẫn cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Do chưa trở lại trạng thái bình thường, chỉ nên nới lỏng các hoạt động thiết yếu, còn các hoạt động không thiết yếu vẫn cần siết chặt; thực hiện nghiêm các hướng dẫn về cách ly đối với F0, F1; người dân vẫn cần thực hiện 5K…

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19, mới đây Bộ Y tế đề nghị ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 218/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

b

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Các cấp chính quyền cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị...), hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân bảo đảm khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội…; tăng cường tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà; công tác kết nối, hội chẩn, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa; kịp thời chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị; không để xảy ra tình trạng người mắc Covid-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị.

Các địa phương tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 “thần tốc hơn nữa” cho các đối tượng theo hướng dẫn; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Mặt khác, triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng, chống Covid-19; tiêm chủng vắc-xin; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc Covid-19; chăm sóc và điều trị người thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid-19...

Đáng chú ý, hiện nay một bộ phận người dân có tâm lý buông xuôi, cho rằng ai cũng sẽ là F0, ai rồi cũng sẽ mắc… Do vậy, các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch của người dân, tự theo dõi sức khỏe và thực hiện nghiêm 5K, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, tiếp xúc với người chung quanh; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết; tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ, không vì đã tiêm vắc-xin mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch; tuyên truyền người dân, các cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp... thực hiện thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm.

TS Phạm Quang Thái (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) cho rằng, sau kỳ nghỉ Tết, tình hình dịch diễn biến rất phức tạp với số mắc trong ngày tăng rất cao và vẫn chưa có dấu hiệu giảm. May mắn là số lượng các trường hợp nặng, nguy kịch không quá cao và chưa dẫn tới quá tải hệ thống cấp cứu, điều mà chúng ta có thể nhận thấy khi số tử vong không tăng vọt như số ghi nhận nhiễm. Đây có thể là kết quả từ các chiến dịch tiêm chủng trong thời gian vừa qua bởi vắc-xin tuy không ngăn được biến thể Omicron nhưng vẫn có tác dụng giảm thể nặng và tử vong.

Tâm lý chủ quan của người dân khi số nhiễm mới không giảm là điều đặc biệt nguy hiểm bởi Covid-19 không chỉ là vấn đề của quá tải y tế lúc mới mắc mà còn là vấn đề hậu Covid. Những tổn thương tiềm tàng về sau có thể khiến cho số người phải đi khám hậu Covid, trong đó sẽ có nhiều trẻ em và là gánh nặng y tế cho giai đoạn hồi phục. Điều này có thể làm hao phí tài chính rất lớn cũng như làm giảm chất lượng cuộc sống của rất nhiều người, chưa nói tới các nguy cơ khác đến sức khỏe. Vì vậy, các bác sĩ vẫn khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp dự phòng, giảm thiểu lây nhiễm và tuân thủ sự hướng dẫn trong điều trị để hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ tổn thương hậu Covid sau này.

Như vậy, cùng với việc triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch, các địa phương, đơn vị cũng cần chuẩn bị về cơ sở hạ tầng y tế trong việc sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho người nhiễm Covid-19 chuyển nặng.

Các cơ sở điều trị cần chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm công tác quản lý, chăm sóc, thu dung điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển tầng, chuyển viện và giảm tử vong. Tổ chức thực hiện công tác quản lý, thu dung, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 theo phương án bốn tại chỗ, hạn chế tối đa việc chuyển viện.

Tiếp tục triển khai kế hoạch bảo đảm thực hiện tốt quản lý người mắc Covid-19 tại nhà; phân công trách nhiệm cụ thể cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế lưu động, trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám, trung tâm cấp cứu và các cơ sở y tế trên địa bàn trong công tác quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để kịp thời hỗ trợ người mắc Covid-19. Tổ chức phân loại mức độ bệnh để phân tuyến điều trị phù hợp tình trạng bệnh, hạn chế tình trạng người bệnh chuyển nặng và tử vong…\

Theo Báo Nhân Dân điện tử

.
.
.