.

Trân trọng sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc

Cập nhật: 09:01, 27/02/2022 (GMT+7)

(ABO) Năm 2021, “giặc” Covid-19 quét qua địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng và TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ nói chung như cơn bão với cấp độ chưa từng có. Cùng với cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, ngành Y tế “báo động đỏ”, dốc toàn lực ra tuyến đầu phòng, chống dịch với quyết tâm phải đẩy lùi “giặc” Covid-19, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

a
Trong gian khó của “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, phẩm chất “lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc càng thêm tỏa sáng. Ảnh: PHÚC THỊNH

Đó không phải là một cuộc ra quân phòng, chống dịch bệnh thông thường, mà đó là “cuộc chiến”, đòi hỏi mỗi cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế phải làm việc từ 200% đến 300% sức lực của mình so với ngày thường. Vì vậy, nơi “tuyến lửa” có nhân viên y tế sau khi rời phòng chăm sóc bệnh nhân đã lã đi trong tay đồng nghiệp. Thế nên nơi tuyến đầu dù là “mặt trận” không tiếng súng nhưng đầy gian lao, thử thách và khốc liệt, đòi hỏi người thầy thuốc “ra trận” với tâm thế “Gan không núng/ Chí không mòn!” thì mới có thể bám chặt “vị trí chiến đấu”.

Cũng nơi tuyến đầu ấy có thầy thuốc đã bật khóc không phải vì chùn bước trước khó khăn, gian khổ, mà vì không chịu nổi cảm giác bất lực, không thể cứu chữa được những bệnh nhân diễn tiến bệnh nhanh rồi ra đi… Và nơi đó cũng có nhân viên y tế stress nặng phải rời “vị trí chiến đấu” do không chịu nổi áp lực công việc.

Chưa dừng lại ở đó, nơi “tuyến lửa” nóng bỏng ấy còn có sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc. Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế trực tiếp phục vụ người bệnh tại các bệnh viện dã chiến trong tỉnh suốt mấy tháng liền ăn ngủ tại bệnh viện, hy sinh cả hạnh phúc cá nhân, quên đi nỗi nhớ gia đình, con thơ, quên cả bữa ăn khi công tác thăm khám và chăm sóc người bệnh chưa hoàn thành…

Tính đến ngày 12-2-2022, toàn ngành Y tế tỉnh Tiền Giang có 772 cán bộ, y, bác sĩ và người lao động bị nhiễm SARS-CoV-2 khi tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; trong đó Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang có 150 người, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh có 16 người, Trung tâm Y tế huyện Cái Bè có 70 người (bao gồm tuyến huyện và tuyến xã). Thế mới thấy sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 là không thể đong đếm hết.

a
Bệnh nhân quyến luyến khi chia tay đội ngũ thầy thuốc đã giúp mình chiến thắng Covid-19, trở về sum họp với gia đình. Ảnh: PHÚC THỊNH

Tiền Giang trở thành "vùng xanh", nhân dân tỉnh nhà có cuộc sống bình thường mới như hiện nay là niềm vui chung hết sức to lớn, là công sức chung của toàn xã hội, trong đó có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế mà không có lực lượng nào có thể thay thế được. Trong gian khó của “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, phẩm chất “lương y như từ mẫu” của người thầy thuốc càng thêm tỏa sáng và đáng trân trọng biết bao!

Kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2022), một lần nữa chúng ta lắng lòng lại, cùng hướng về đội ngũ thầy thuốc Việt Nam nói chung và đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh nhà nói riêng với lòng tri ân, trân trọng sự hy sinh thầm lặng của họ để chúng ta có được cuộc sống bình thường mới như hôm nay. Đó là đạo lý, là truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta từ xưa đến nay…

THIÊN QUANG

 

.
.
.