.

Vừa bị cảm lạnh vừa mắc covid-19 cùng lúc, có nguy hiểm?

Cập nhật: 14:25, 25/02/2022 (GMT+7)

(ABO) Chị Nguyễn Hoài M., 38 tuổi, nhà ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang bị cảm lạnh sau một chiều mưa bất chợt ngày 24 tết. Hình như năm nào gần tết chị M. cũng bị cảm, ho, sổ mũi... vài ngày thì khỏi. Kỳ này, chị M. nghĩ mình cũng bị cảm và đến cơ sở y tế khám bệnh, được thử test kháng nguyên Covid-19 và bất ngờ với kết quả dương tính với Covid-19. Chị M. hỏi: “Tôi bị cảm hoài, lần nào cũng có triệu chứng giống nhau. Có khi nào tôi nhiễm cùng lúc hai bệnh là cảm và Covid-19 không bác sĩ?”.

Bác sĩ hơi bất ngờ trước câu hỏi của chị M., vì ít bệnh nhân nào nhận ra điều này. Vị bác sĩ cười: “Mùa này là mùa của các loại siêu vi đường hô hấp, nên một người mắc cùng lúc nhiều loại siêu vi vẫn có thể xảy ra. Trong chuyên môn, nếu vừa cảm lạnh, vừa nhiễm Covid-19, người ta gọi là đồng nhiễm vi rút, may mắn là hai bệnh đồng nhiễm này ít nguy hiểm hơn nhiễm Covid-19 đơn thuần”.

Hiện tại, mọi người chỉ nghĩ đến một loại vi rút, đó là SARS-CoV-2, vi rút gây ra Covid -19. Tuy nhiên, thế giới phải đối mặt với nhiều loại vi rút đường hô hấp, chẳng hạn như cúm A và vi rút hợp bào hô hấp (RSV), gây ra hàng trăm ngàn ca tử vong mỗi năm. Nhiều loại vi rút gây bệnh đường hô hấp hiện nay chưa có vắc xin hoặc phương pháp điều trị hiệu quả, ngoại trừ cúm và SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu gần đây từ Đại học Glasgow (Anh) đã cho thấy, có tới 30% trường hợp nhiễm trùng có thể chứa nhiều hơn một loại vi rút. Tháng 3-2020, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Montefiore ở Bronx (New York) chỉ trong một tháng phát hiện gần 5% bệnh nhân vừa mắc Covid-19 vừa bị nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút khác. Tiến sĩ Sarah Baron, một bác sĩ tại bệnh viện, cho biết: “Chúng tôi tìm thấy có những bệnh nhân vừa bị Covid-19 vừa bị một bệnh nhiễm trùng khác - họ có tỷ lệ viêm trong cơ thể thấp hơn và ít có khả năng phải nhập viện hơn”. 

Ở một bệnh viện Nhi tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 9-2021 đã có 5 trường hợp bé dưới 15 tuổi vừa mắc Covid-19 vừa mắc sốt xuất huyết cùng một lúc. Sốt xuất huyết diễn biến rất nặng nhưng được cứu sống.

Có hai khả năng xảy ra khi bị đồng nhiễm vi rút: Một là chúng có thể tấn công cơ thể gây ra nhiều thiệt hại hơn là tự chúng tấn công riêng lẻ, thí dụ giữa sốt xuất huyết và Covid-19. Mặc dù hai vi rút này gây ra các bệnh nặng tương tự như sốc, tổn thương đa cơ quan, nhưng chúng sử dụng các thụ thể khác nhau trên tế bào của chúng ta để xâm nhập.

Sốt xuất huyết xâm nhập vào tế bào thông qua các thụ thể Fcγ trên bạch cầu. SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào thông qua thụ thể ACE2. Còn cách lây cũng khác, Covid-19 lây qua giọt bắn, trong khi sốt xuất huyết lây qua muỗi truyền, gây ra nhiễm trùng kép cho cùng một người, bệnh sẽ diễn biến khó lường vì hai bệnh triệu chứng và cách điều trị khác nhau.

Thứ hai là chúng ngăn chặn và ức chế sự phát triển lẫn nhau, hay gặp ở các loại vi rút cùng đường lây nhiễm và cùng một cách thức xâm nhập tế bào. Khả năng này thường xảy ra ở các loại vi rút đường hô hấp hơn. Các nhà khoa học cho rằng, có hai lý do vi rút ức chế, ngăn chặn lẫn nhau.

Lý do thứ nhất khi bị nhiễm vi rút đầu tiên, làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể ở tình trạng cảnh giác cao độ, kích hoạt cơ thể tiết ra một loại protein gọi là interferon. Đây là một phản ứng miễn dịch bẩm sinh của con người.

Interferon là một loại protein trong thành phần của cytokine, được tế bào hệ miễn dịch sản xuất ra khi cơ thể  bị nhiễm vi rút. Interferon ức chế sự phân chia của vi rút, làm cho vi rút không thể sinh sôi nảy nở. Một ổ vi rút này sẽ ức chế ổ vi rút kia qua trung gian Interferon.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, một ca cảm lạnh thông thường do rhinovirus có thể ngăn chặn sự nhân lên của vi rút Covid-19, qua vai trò của Interferon. Rhinovirus lưu hành rộng rãi, tương đối lành tính đối với hầu hết mọi người và tạo ra phản ứng interferon gần như ngay lập tức.

Lý do thứ hai là tại một thời điểm nào đó, hai loại vi rút khác nhau lây nhiễm vào cùng một tế bào ở mũi họng hoặc trong phổi của bệnh nhân, hai chủng vi rút khác nhau gặp nhau bên trong cùng một tế bào con người, chúng phải cạnh tranh giành một nguồn nguyên liệu chứa trong tế bào để nhân bản, và trao đổi gen, tạo ra một biến thể con mới xuất hiện. Biến thể con này không phát triển, dễ dàng bị hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt.

Trong tình hình biến thể Omicron lây lan nhanh chóng như hiện nay, chúng ta thực hiện giải pháp chống dịch linh hoạt, nới lỏng xã hội, thì khả năng một người nào đó bị nhiễm vi rút Covid-19 và một loại vi rút khác cùng lúc dự kiến sẽ tăng lên, nếu chúng ta mất cảnh giác phòng bệnh.

Dù biết rằng đồng nhiễm vi rút hô hấp có thể không nguy hiểm, nhưng đôi khi cũng rất khó lường. Tốt nhất bà con mình cần phải tiếp tục phòng ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp có hiệu quả như mang khẩu trang, rửa tay sạch sẽ, giữ khoảng cách an toàn trên 2 m, tạo không gian thông thoáng nơi ở, hạn chế tụ tập đông người.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.