.

Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19

Cập nhật: 14:26, 21/03/2022 (GMT+7)

Theo đại diện Bộ Y tế, mục tiêu bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên của Bộ này thời gian tới.

Ưu tiên bảo vệ nhóm dễ tổn thương

b

Theo đại diện Bộ Y tế, mục tiêu bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên của Bộ này thời gian tới.

Mục tiêu mà Bộ Y tế đặt ra trong công tác phòng chống Covid-19 thời gian tới là kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở;

Tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến;

Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19; Bảo đảm thông tin, truyền thông chủ động trong định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch thống nhất toàn quốc;

Chủ động chuẩn bị các biện pháp về kinh tế - xã hội, hành chính theo cấp độ nguy cơ dịch để bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Ngoài ra, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn sử dụng thuốc điều trị Covid-19.

Trong đó ưu tiên những người thuộc đối tượng chống chỉ định cần được tư vấn, thăm khám (kể cả trực tuyến) để đảm bảo sử dụng thuốc được an toàn.

Tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong cách ly, khu phong tỏa

TP.HCM thêm bệnh viện tiếp nhận trẻ em mắc Covid-19

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, trước tình hình trẻ em mắc Covid-19 tại TP.HCM tăng cao, Bệnh viện sẽ tiếp nhận cấp cứu, điều trị nội trú các trẻ em mắc Covid-19.

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu ba bệnh viện nhi gồm: Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố đảm bảo mỗi nơi đều có Khoa Covid-19, tối thiểu 150 giường điều trị, trong đó có 50 giường hồi sức tích cực, rà soát nhân lực, trang thiết bị, thuốc men để đảm bảo điều trị.

Như vậy, ngoài Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố tăng 300 giường điều trị Covid-19 (trong đó 50 giường hồi sức) cho trẻ còn có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đối với bệnh viện quận, huyện, đa khoa có chuyên khoa nhi phải có 30 - 50% giường điều trị Covid-19 dành cho bệnh nhi mắc Covid-19 mức độ trung bình hoặc nhẹ nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Dấu hiệu hô hấp hậu Covid-19

Theo một thống kê năm 2021 có đến từ 10-35% bệnh nhân Covid-19, không cần nhập viện vẫn bị hậu Covid-19, bất kể tình trạng bệnh nền. Còn nhóm bệnh nhân có bệnh nền, cần nhập viện vì Covid-19, có tỷ lệ bị hậu Covid-19 lên đến 80%.

Bệnh nhân bị hậu Covid-19 với các biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan, hệ thống trong cơ thể như hô hấp, tim mạch, thần kinh - tâm thần, ngoài da và toàn thân… nhưng phổ biến hơn cả là di chứng ở cơ quan hô hấp (chiếm khoảng 50%).

Biểu hiện đầu tiên là khó thở, ho kéo dài và đau ngực. Đây là hiện tượng thường xảy ra sau nhiễm virus đường hô hấp nói chung với triệu chứng chính là ho, thường chỉ ho khan, thở khò khè, nặng ngực, thường gặp ở bệnh nhân trong khi mắc Covid-19 có tăng IL-6 và lipocalin-2.

Các biểu hiện như vậy được gọi là hội chứng tăng phản ứng đường thở sau viêm.

Biểu hiện tiếp theo là huyết khối, thuyên tắc động mạch phổi. Hiện tượng này xảy ra ở Covid-19 nhiều hơn các bệnh virus khác.

Mặt khác, tình trạng tăng đông có thể kéo dài qua thời kỳ hậu Covid-19. Cơ chế huyết khối, thuyên tắc động mạch phổi là do máu ứ trệ, tổn thương nội mạc mạch máu và tăng đông.

Ngoài ra, xơ phổi mô kẽ hậu Covid-19 là biến chứng nghiêm trọng nhất của hậu Covid-19, cơ chế được giải thích là do CRP, IL-6 và LDH tăng cao hoạt hóa fibroblast gây xơ phổi.

Xơ phổi mô kẽ thường xảy ra nhiều ở những bệnh nhân thở máy, viêm phổi nặng, hút thuốc, nghiện rượu, và khi điều trị oxy liều cao gây stress oxy hóa, chấn thương do thở máy cũng làm tăng khả năng xơ phổi.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là xơ phổi vẫn có thể xảy ra ở những bệnh nhân Covid-19 nhẹ, điều trị ngoại trú, trẻ tuổi.

Biểu hiện lâm sàng là những bệnh nhân này khó thở thường xuyên, tăng khi gắng sức, nặng hơn là phụ thuộc thở oxy, mệt mỏi, trên phim CT-Scan ngực tổn thương xơ tiến triển ở mô kẽ kết hợp tổn thương kính mờ 2 phổi;

Đo chức năng hô hấp bệnh nhân có rối loạn thông khí hạn chế biểu hiện bằng giảm rõ rệt dung tích sống và giảm khả năng khuếch tán khí qua màng phế nang mao mạch phổi (đo Dlco giảm rõ), đo khí động mạch có giảm oxy, nếu nặng có biểu hiện suy hô hấp.

Theo Baodautu.vn

.
.
.