.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên: Sửa quy định 5K để phù hợp tình hình mới

Cập nhật: 15:54, 09/03/2022 (GMT+7)

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, trong giai đoạn "bình thường mới" hiện nay, các cơ quan, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, các trường học đã đón học sinh. Do đó, ngành y tế cần có quy định, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế, trong đó có quy định 5K để tránh tình trạng có quy định nhưng không thực hiện được.

Ngày 9-3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM giao ban trực tuyến với TP Thủ Đức và 21 quận huyện về công tác phòng chống dịch.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM và đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM cùng chủ trì.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, số ca mắc mới trên địa bàn thành phố tăng cao trong những tuần qua, nhưng vài ngày gần đây, số ca mắc giảm nhẹ. Trong đó, số ca trở nặng, số ca tử vong đều ở mức thấp nhất và ổn định suốt những tuần qua.

Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, tiếp tục tập trung triển khai chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì… và phải bảo vệ trẻ em chưa tiêm vaccine.

a
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng lưu ý, ngành y tế cần xem lại hướng dẫn, quy định, các khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp. Trong giai đoạn "bình thường mới" hiện nay, các cơ quan, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Các trường học cũng đón học sinh đến học tập trung. Do đó, ngành y tế cần có quy định, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế, tránh tình trạng có hướng dẫn nhưng không thực hiện được.

Đồng chí dẫn chứng, quy định 5K hiện nay có một số điểm không còn phù hợp như quy định về khoảng cách, quy định không tập trung..., cần có điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo thực hiện khả thi hơn. “Từng hướng dẫn phải phù hợp với thực tế, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Ngành y tế TPHCM đã chủ động nghiên cứu sàng lọc, giải trình gene các trường hợp mắc Covid-19. Kết quả bước đầu cho thấy, biến thể Omicron có 2 biến thể phụ là BA.2 chiếm khoảng 64% và 24% là biến thể BA.1 đang tồn tại ở TPHCM. Ngành y tế xác định biến thể BA.2 có tốc độ lây lan nhanh hơn biến thể BA.1. Đồng chí Nguyễn Văn Nên ghi nhận sự chủ động này và yêu cầu tìm hiểu sâu hơn tác hại của 2 biến thể này đối với người mắc Covid-19.

Về số ca mắc trong trường học gia tăng, nhất là ở cấp tiểu học, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận xét, nguyên do có phần tổ chức cho học sinh ăn, ngủ tại trường không đảm bảo khoảng cách. Bất cập này phải được giải quyết dứt điểm, để hạn chế lây nhiễm cho học sinh.

Ngoài ra, đối với thủ tục khai báo hiện nay dành cho F0, theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, thủ tục phải ngắn gọn, thuận tiện cho người dân. Các địa phương, ngành y tế nỗ lực hỗ trợ người dân để người dân thấy được trách nhiệm, quyền lợi khi khai báo, tránh để tình trạng người dân mắc Covid-19 mà không khai báo.

a
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng yêu cầu, tập trung hướng dẫn các hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp để đảm bảo tốt phòng chống dịch Covid-19. Các cấp các ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp phải nêu cao trách nhiệm, phân định rõ ràng từng trách nhiệm cũng như có chế tài đủ nghiêm. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền đến từng người dân, từng gia đình.

Tương tự, yêu cầu mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan đơn vị, trường học, doanh nghiệp… phải biết rõ nghĩa vụ, quyền lợi trong phòng chống dịch. Các biện pháp vừa phòng ngừa lây nhiễm, vừa hạn chế đối đa các ca trở nặng, tử vong bằng những biện pháp chủ động hạn chế lây. TPHCM phải chủ động có các biện pháp hạn chế lây để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là khi mở cửa ngành du lịch trong thời gian tới.

a
Học sinh Trường THCS Lý Phong (quận 5, TPHCM) chấp hành quy định 5K. Ảnh: HOÀNG HÙNG

F0, F1 không có vấn đề về sức khỏe nên duy trì làm việc phù hợp

Tại buổi giao ban, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi yêu cầu tiếp tục tập trung giám sát, cảnh báo dịch và có biện pháp phù hợp với tình hình, đặc biệt là trước diễn biến của biến thể phụ mới BA.2, vốn đang chiếm 65% các trường hợp mắc mới. Đồng chí lưu ý, cần tránh hai thái cực – hoặc lơ là mất cảnh giác, hoặc lo lắng thái quá, gây bất an trong xã hội.

a
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước tình hình lây nhiễm trong học sinh tăng nhanh rồi lây lan sang người nhà, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo phải kiểm soát, bảo vệ trẻ em, đặc biệt là các em có nguy cơ và người có nguy cơ. Ngành giáo dục TPHCM được giao chủ trì kiểm tra lại việc cập nhật bộ tiêu chí an toàn tất cả trường học trên địa bàn thành phố; tiếp tục rà soát công tác chuẩn bị, sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Đồng chí Phan Văn Mãi cũng giao Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chậm nhất trong tháng 3-2022 phải cập nhật lại bộ tiêu chí an toàn, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa duy trì các hoạt động bình thường trong đời sống xã hội.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế, Chủ tịch UBND TPHCM phân công Sở Du lịch chủ trì, sớm đề xuất UBND TPHCM làm việc với các doanh nghiệp về phục hồi, phát triển ngành du lịch.

Theo đồng chí, không phải đợi đến ngày 15-3 mở cửa ngành du lịch, nếu gặp tình huống mới lúng túng, mà ngay từ bây giờ cần rà soát, dự liệu các tình huống để có phương án xử lý. Cùng với đó, TPHCM phải hoàn thiện bộ tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch.

Đồng chí Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo Sở TT-TT phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, GD-ĐT để ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch hiệu quả hơn, làm sao để các thủ tục hành chính thực hiện một cách thuận lợi cho người dân.

Liên quan đến đề nghị F1 cũng đi làm, đồng chí Phan Văn Mãi gợi mở Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM cần nghiên cứu, vận dụng tinh thần này trong khi rà soát lại các bộ tiêu chí an toàn.

Theo đồng chí, đối với các F0 có vấn đề về sức khỏe thì phải chăm sóc sức khỏe, đảm đảo sức khỏe là trên hết và trước hết. Nếu F1 không có vấn đề về sức khỏe thì sẽ đi làm; với F0 không có triệu chứng, không có vấn đề về sức khỏe và tự nguyện thì duy trì làm việc phù hợp.

“Hiện nay, nhiều cơ quan có 30-50 F0, nếu cách ly 7-14 ngày thì rất bị động trong công việc. Cần tính toán để đảm bảo hoạt động các cơ quan, kể cả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của các đơn vị, doanh nghiệp”, đồng chí Phan Văn Mãi nói.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.