Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Những lưu ý không thể bỏ qua
Để chuẩn bị triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vào đầu tháng 4 này, Bộ Y tế đã phê duyệt 2 loại vaccine là Pfizer và Moderna. Đồng thời, Bộ Y tế đã hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương về việc triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho lứa tuổi trên với mục tiêu đảm bảo an toàn và hiệu quả cao nhất khi tiêm chủng. Tại TPHCM, ngành y tế đã lên phương án đảm bảo an toàn trước và sau tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Không được tiêm trộn vaccine
Theo Bộ Y tế, để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã làm việc rất thận trọng, từng bước, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo chương trình tiêm chủng của các nước, đặc biệt là khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ để đảm bảo tiêm chủng an toàn.
Đến nay, nguồn vaccine phục vụ cho tiêm chủng đã được chuẩn bị đảm bảo cả số lượng, chất lượng và ngay khi vaccine về Việt Nam sẽ triển khai tiêm chủng ngay. Theo đó, sẽ có 2 loại vaccine được đưa vào tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi gồm: vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech và vaccine Spikevax của Moderna.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết, việc triển khai tiêm chủng 2 loại vaccine này cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi không giống như người từ 18 tuổi trở lên nên Bộ Y tế yêu cầu các địa phương và cơ sở tiêm chủng tuyệt đối không tiêm trộn 2 loại vaccine Covid-19 này. Cùng với đó, chỉ tiêm 2 mũi vaccine cùng loại với lịch tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.
Để chuẩn bị sẵn sàng cho công tác tiêm chủng, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, đến thời điểm này, TPHCM đã chuẩn bị xong các bước chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện thành phố đã lập xong danh sách với khoảng 900.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó, có hơn 885.000 trẻ đi học, 12.800 trẻ không đi học và trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh huyện Củ Chi, TPHCM. |
“Theo kế hoạch, TPHCM sẽ tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi Bộ Y tế tập huấn an toàn tiêm chủng và hoàn thành chiến dịch trước tháng 9-2022. Loại vacine được sử dụng cho lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi là vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNTech và vaccine Spikevax của Moderna. Riêng vaccine Spikevax sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Việc triển khai tiêm chủng sẽ ưu tiên cho trẻ theo thứ tự độ tuổi giảm dần”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm thông tin.
Phản ứng thông thường
Trước những băn khoăn của nhiều phụ huynh về tính an toàn khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, qua báo cáo trên thế giới cho thấy, hầu hết trẻ ở độ tuổi này sau khi tiêm vaccine Covid-19 đều chỉ gặp các phản ứng thông thường và rất ít có phản ứng bất thường.
Trong đó, đối với vaccine Pfizer, các phản ứng thường gặp sau khi tiêm vaccine là đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, ớn lạnh, sốt. Còn phản ứng ít gặp là nổi hạch, phát ban, ngứa, mề đay, phù, giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì. Đối với phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim (ít hơn 1/10.000 ca).
Đối với vaccine Moderna, các phản ứng thường gặp là sưng hạch nách cùng bên với vị trí tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, tiêu chảy, sưng, ban đỏ tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp là chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm và phản ứng rất hiếm gặp là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.
Theo GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: “Trẻ em từ 5 tới dưới 12 tuổi nếu mắc Covid-19 thường bị nhẹ nên miễn dịch chưa đầy đủ. Kể cả ở người lớn, miễn dịch tự nhiên của Covid-19 không chuẩn hóa bằng miễn dịch của vaccine. Do vậy, tiêm vaccine trên những người đã mắc Covid-19 là cần thiết. Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, cần tiêm ở thời điểm 3 tháng sau khi mắc Covid-19”. |
“Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tiêm chủng và xử trí các trường hợp phản vệ sau tiêm vaccine. Thời gian qua, chúng tôi ghi nhận tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm là 5 người trên 1 triệu liều vaccine. Tất cả trường hợp này đều đã được các cán bộ y tế xử trí kịp thời và an toàn”, PGS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh.
Làm rõ thêm các phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em ở lứa tuổi trên, TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, qua kết quả thực nghiệm và triển khai trên thế giới, phản ứng sau tiêm ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi không khác biệt nhiều với nhóm trẻ lớn hơn và người trưởng thành. Trẻ có thể gặp một số phản ứng tại chỗ như sưng, đau tại điểm tiêm nhưng biểu hiện thoáng qua và rất nhanh. Một số phản ứng toàn thân cũng được ghi nhận như mệt mỏi tương tự cúm hay sốt nhẹ trong vài ngày.
Hơn nữa, tỷ lệ phản vệ sau tiêm vaccine ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi khá thấp. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn, trước và sau khi tiêm vaccine, trẻ ở lứa tuổi này cần được theo dõi chặt chẽ, đặc biệt cha mẹ, người thân phải túc trực bên cạnh trẻ ít nhất 3 ngày sau tiêm.
TPHCM lên phương án đảm bảo an toàn trước và sau tiêm chủng Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, các đội tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chủ yếu là các y, bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện, trung tâm y tế và trạm y tế trên địa bàn. Tùy theo tình hình nguồn lực và số lượng trẻ dự kiến tiêm chủng, Sở Y tế chịu trách nhiệm huy động lực lượng nhân viên y tế đã được tập huấn về tiêm vaccine Covid-19. Cuối mỗi ngày tiêm, rà soát danh sách trẻ, thống kê số lượng trẻ chưa tiêm để lên lịch tổ chức tiêm vét phù hợp và kịp thời. Sau khi tiêm, trẻ sẽ được yêu cầu theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Qua đó, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm nhằm có biện pháp xử trí kịp thời và hiệu quả. Sở Y tế TPHCM giao Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo công tác cấp cứu tại điểm tiêm; bố trí xe cấp cứu với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cấp cứu, thuốc cấp cứu theo đúng cơ số quy định, đảm bảo việc cấp cứu tại chỗ và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất. Xe cấp cứu phải luôn sẵn sàng và trực tại các địa điểm tiêm; phân công đội cấp cứu và vận chuyển cấp cứu phù hợp với các địa điểm tiêm trên địa bàn, đảm bảo nguyên tắc có mặt ngay tại nơi có sự cố bất lợi sau tiêm trong vòng 3-5 phút sau khi nhận được thông báo. |
Các trường hợp trì hoãn hoặc không tiêm vaccine Covid-19 |
(Theo sggp.org.vn)