Trại rắn Đồng Tâm cứu sống hàng ngàn người bị rắn cắn mỗi năm
(ABO) Ngày 10-4, Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến dược liệu (gọi tắt là Trại rắn Đồng Tâm) thuộc Quân khu 9 cho biết, những ngày gần đây đơn vị liên tục chữa trị bệnh nhân do rắn lục đuôi đỏ cắn.
Vết sưng tấy do rắn lục đuôi đỏ cắn. |
Vào lúc 9 giờ cùng ngày, bệnh nhân Trần Văn Đức (38 tuổi, ngụ xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) nhập viện do rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang làm vườn. Theo người nhà bệnh nhân, sáng nay ông Đức đi làm vườn, khi đang tưới nước vườn sầu riêng thì bị rắn cắn (chưa xác định được loại rắn), được người nhà đưa đến Trại rắn Đồng Tâm cấp cứu trong tình trạng bàn chân trái sưng to, đau nhức. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong tình trạng rất nặng. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu tiêm huyết thanh kịp thời chữa trị cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được truyền huyết thanh điều tri. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Điều trị rắn cắn Trại rắn Đồng Tâm cho biết, mỗi năm trung bình Trại rắn Đồng Tâm cấp cứu khoảng 1.200 - 1.500 ca bị rắn cắn. Từ đầu năm 2022 đến nay, trại rắn đã cấp cứu cho khoảng 215 ca bị rắn lục đuôi đỏ, rắn hổ mang, rắn chạm quạp cắn.
"Đặc điểm sinh học của rắn là sinh hoạt theo mùa nên sau những ngày mưa nhiều chính là điều kiện thuận lợi để rắn độc hoạt động. Vì vậy, thời điểm này nhiều người dễ bị rắn cắn. Đặc biệt, do sơ cứu không đúng cách nên nhiều người có thể bị hoại tử tay, chân, nhiễm trùng máu hay thậm chí bị tử vong. Vì vậy, nhận biết rắn độc cắn và sơ cứu ban đầu đúng cách là vô cùng cần thiết và sau đó nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và cần lưu ý đặc biệt khi thấy vết thương có dấu hiệu đổi màu, bắt đầu sưng hoặc đau" - Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.
HOÀNG LONG