.

Cần điều kiện gì để kết thúc "tình trạng khẩn cấp" đại dịch COVID-19?

Cập nhật: 11:12, 08/05/2022 (GMT+7)

Việt Nam cần điều gì để kiểm soát dịch COVID-19, kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch trong năm 2022? Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PSG.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

b

PGS.TS Trần Đắc Phu.

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam hiện nay? Đã đến lúc coi COVID-19 là bệnh thông thường hay chưa?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Dịch COVID-19 giảm mạnh trong thời gian qua là do tỷ lệ tiêm vaccine cao, tỷ lệ người đã nhiễm COVID-19 cũng cao và Việt Nam đã qua thời kỳ đỉnh dịch. Hiện nay, nước ta đang kiểm soát được số ca mắc nặng và tử vong, đặc biệt, ngày 3/5, sau 1 năm bùng phát đợt dịch thứ 4, nước ta không ghi nhận ca tử vong nào.

Tuy nhiên, tôi cho rằng thời điểm này chưa nên đưa COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Lý do vì COVID-19 vẫn có thể xuất hiện biến chủng mới. Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp để “nghe ngóng”, đánh giá tình hình dịch một cách chính xác. Bộ Y tế đưa ra 2 kịch bản: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước, hoặc xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn. Tình huống thứ hai xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Bộ Y tế đưa ra 2 kịch bản ứng phó như trên là phù hợp trong tình hình hiện nay. Bởi WHO cho rằng, các quốc gia vẫn phải cảnh giác, chưa đưa COVID-19 về bệnh lưu hành. Vì vậy, Việt Nam vẫn coi COVID-19 như đại dịch, tiếp tục theo dõi tình hình trên thế giới, đánh giá đúng nguy cơ dịch để có đáp ứng kịp thời, linh hoạt và hiệu quả.

PV: Vậy trong tình hình chuyển tiếp hiện nay, Việt Nam cần làm gì để phòng dịch, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Hiện nay chúng ta vẫn chưa đánh giá được nên theo chiều hướng nào mà cần sẵn sàng đối phó với cả hai tình huống mà Bộ Y tế đưa ra. WHO cũng đang cảnh báo chưa thể lơ là với đại dịch, bởi kịch bản có thể nhẹ đi nhưng cũng có thể nặng lên vì chưa thể đánh giá biến chủng của virus SARS-CoV-2 một cách rõ ràng.

Nếu chúng ta đưa COVID-19 về nhóm B nhưng ra văn bản điều trị miễn phí thì cũng gần như nhóm A. Còn nếu bỏ COVID-19 khỏi nhóm A, khi chủng mới quay lại thì sẽ ra sao? Vì vậy, chúng ta cũng không nên quá bận tâm về việc xem COVID-19 như bệnh nhóm A hay nhóm B khi mà chúng ta vẫn đang phải đầu tư vaccine, đầu tư tiền của, sức lực vào công tác phòng, chống dịch.

Điều quan trọng là chúng ta đánh giá đúng nguy cơ và đáp ứng được với các nguy cơ có thể xảy ra. Cùng với việc mở cửa du lịch, đưa trẻ em quay trở lại trường học, không còn cách ly F1… thì vẫn phải kiểm soát rủi ro. Dịch diễn biến tới đâu, đáp ứng tới đó. Cần đánh giá nguy cơ một cách chính xác để có đáp ứng phù hợp nhất. Nếu đáp ứng không tới sẽ không kiểm soát được dịch, còn đáp ứng thái quá, đặc biệt là cấm đoán không hợp lý sẽ ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội.

Hiện nay chúng ta đã rất linh hoạt trong đáp ứng với dịch, không cứng nhắc bởi vẫn coi COVID-19 là bệnh đặc thù. Chúng ta không quá chủ quan, lơ là nhưng không quá sợ sệt mà cấm đoán tất cả.

Nếu từ giờ tới cuối năm tình hình thực sự ổn định thì mới nên quyết định chuyển sang nhóm B. Nếu chuyển sang nhóm B ngay có thể làm mất cảnh giác, khi dịch quay lại, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch sẽ khó khăn hơn, mất thời gian hơn… Còn hiện nay chúng ta đã và đang thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, chúng ta đã nới lỏng tất cả các hoạt động đi lại, mở cửa các dịch vụ để phát triển kinh tế - xã hội, gần như coi COVID-19 là bệnh lưu hành, chỉ khác là vẫn đang bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội cho người dân như tiêm chủng miễn phí, chữa bệnh miễn phí.

PV: Bộ Y tế vừa quyết định dừng khai báo y tế nội địa, trước đó cũng bỏ quy định khai báo y tế cửa khẩu. Vậy, quy định này có hợp lý hay không và biện pháp 5K có còn phù hợp nữa không, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu: Khai báo y tế là một trong những quy định của quốc tế trong điều kiện dịch khẩn cấp và được Việt Nam áp dụng có hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, tới nay, việc bỏ khai báo y tế là hoàn toàn phù hợp vì chúng ta không còn thực hiện truy vết, phong tỏa cũng như số ca nhiễm do nhập cảnh không nhiều so với trong nước. Quyết định tạm dừng khai báo y tế của Bộ Y tế cũng hợp lý bởi khi dịch có những diễn biến mới, kịch bản nặng nề hơn thì có thể áp dụng trở lại, góp phần kiểm soát dịch hiệu quả. Đặc biệt có đánh giá, biện pháp dự phòng với những người trở về từ vùng dịch.

Trước hết, cần phải hiểu bản chất của 5K là những biện pháp dự phòng không đặc hiệu phòng, chống COVID-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác. Trước khi COVID-19 xuất hiện, chúng ta vẫn thường xuyên áp dụng các biện pháp có trong quy định 5K để phòng ngừa các bệnh bệnh truyền nhiễm khác, đặc biệt các bệnh lây truyền theo đường hô hấp và tiêu hóa.

Trong thời gian áp dụng 5K dự phòng COVID-19, các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, chân tay miệng, ngộ độc thức ăn… cũng đã giảm đi rõ rệt. Do đó, dù COVID-19 đã được kiểm soát, việc duy trì các biện pháp phòng bệnh trên, trừ việc bỏ khai báo y tế, là vẫn cần thiết và có giá trị. Cụ thể, người ho, sốt, khó thở không nên đến chỗ đông người, chủ động giữ khoảng cách với người khác. Ngược lại, người lành không tiếp xúc với người có triệu chứng ho, sốt để phòng bệnh... Đây cũng chính là vấn đề về “Khoảng cách”.

Tôi nghĩ chúng ta không nên quá băn khoăn việc áp dụng 5K hay 2K, 3K… mà cần áp dụng một cách linh hoạt, uyển chuyển phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh và từng địa phương. Thay vì ép buộc, cần khuyến cáo người dân thực hiện, hình thành các thói quen tốt như đeo khẩu trang để không những phòng ngừa COVID-19 mà còn có rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành.

PV: WHO đã ban hành kế hoạch kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022. Việt Nam cần điều kiện gì về kiểm soát dịch để đáp ứng kế hoạch trên, thưa ông?

PGS.TS Trần Đắc Phu:  Vừa qua, WHO đã công bố kế hoạch kết thúc “tình trạng khẩn cấp” của đại dịch COVID-19. Cần phải lưu ý đây không phải là công bố kết thúc đại dịch COVID-19, mà WHO đưa ra các kịch bản trong thời gian tới, như có những đợt dịch bùng phát ít nghiêm trọng hơn khi khả năng miễn dịch suy giảm có thể cần mũi tiêm vaccine nhắc lại cho người có nguy cơ cao nhất hay nguy cơ dịch có thể diễn biến theo mùa, giống như cúm mùa…

Kịch bản tốt nhất theo WHO chính là khả năng xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong tương lai nhưng gây bệnh ít nghiêm trọng hơn, kháng thể duy trì lâu dài hơn mà không cần tiêm vaccine nhắc lại hoặc không có thay đổi đáng kể với các vaccine hiện có.

Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo kịch bản tồi tệ nhất là virus có thể biến đổi, với những đe dọa mới như khả năng lây truyền cao hơn, gây bệnh nặng hơn, tính nghiêm trọng cao hơn… Trong trường hợp này, vaccine kém hiệu quả hơn, khả năng khỏi bệnh và miễn dịch sẽ suy yếu nhanh chóng. Theo đó, cần một loại vaccine mới để tiêm mở rộng, trong đó ưu tiên các nhóm dễ bị tổn thương.

Những kịch bản của WHO đưa ra theo bối cảnh các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian vừa qua và đã nới lỏng các hoạt động, mở cửa du lịch và không yêu cầu khai báo y tế, song WHO vẫn cẩn trọng trước đại dịch.

Với diễn biến dịch cụ thể tại Việt Nam, cùng với hướng dẫn của WHO, chúng ta cần tiếp tục theo dõi các thông tin và diễn biến dịch trên thế giới, đặc biệt là những biến đổi của virus. Ngành y tế cần có những cách thức giám sát để nắm được tình hình dịch bệnh. Việt Nam cần có riêng những kịch bản phù hợp để đáp ứng kịp thời và không bị bất ngờ trước bất cứ diễn biến mới của dịch bệnh. Theo đó, vẫn đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” - vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, sức khỏe người dân được đặt lên trên hết.

Căn cứ vào diễn biến mới của dịch, Việt Nam đã đưa ra 2 kịch bản chống dịch hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn tại nước ta hiện nay. Tôi cho rằng, Việt Nam cần một giai đoạn chuyển tiếp để quan sát và theo dõi diễn biến dịch trên toàn cầu, để xác định dịch đi theo hướng nào và quyết định áp dụng phòng, chống dịch theo kịch bản nào.

Chúng ta vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, trong đó khuyến khích và nêu cao ý thức phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, phòng bệnh trong môi trường kín, tiếp xúc gần trong đám đông… Bên cạnh đó, tiêm vaccine cũng cần được lưu ý, trong đó cần tiêm nhắc lại cho các đối tượng nào để đảm bảo duy trì miễn dịch.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Công an nhân dân

.
.
.