.

Xây dựng chính sách BHYT chi trả thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ mới về dinh dưỡng

Cập nhật: 15:13, 22/05/2022 (GMT+7)

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý được nêu tại Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 do Bộ Y tế vừa ban hành.

Theo Bộ Y tế, hiện ngân sách chưa bảo đảm để người dân được tiếp nhận các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu, chưa có bất cứ can thiệp dinh dưỡng nào được BHYT chi trả. Đồng thời, các chế phẩm chuyên biệt và sản phẩm dinh dưỡng chưa thuộc danh mục chi trả của BHYT.  

Kế hoạch hành động của Bộ Y tế đặt ra nhiệm vụ trong thời gian sắp tới là sẽ xây dựng các chính sách liên quan đến dinh dưỡng nhằm đáp ứng các vấn đề dinh dưỡng mới nổi và cấp thiết.

Trong đó, cơ quan chức năng sẽ:

- Xây dựng chính sách BHYT chi trả cho dịch vụ tư vấn và điều trị phục hồi cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng tại cộng đồng và bệnh viện;

- Chi trả cho sữa mẹ thanh trùng cho trẻ sơ sinh, sinh non và bệnh lý chưa được tiếp cận với sữa mẹ đẻ;

- Các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa.

- Xây dựng chính sách để đưa các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu vào bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, bảo đảm nguồn tài chính chi trả.

Ngoài ra, Kế hoạch hành động của Bộ Y tế cũng có thêm nhiều giải pháp đáng chú ý khác như:

- Xây dựng hướng dẫn tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

- Xây dựng quy định hạn chế quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của các nhãn hàng đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thức uống có đường.

- Xây dựng tiêu chuẩn bữa ăn học đường, các quy định về dinh dưỡng và hoạt động trong trường học.

- Xây dựng hướng dẫn về dinh dưỡng và hoạt động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì và bệnh không lây nhiễm cho người dân...

- Tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi đang giảm dần, năm 2020 là 19,6% (giảm gần 10% so với năm 2010), trên đà đạt được Mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu năm 2025 về giảm suy dinh dưỡng thấp còi.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ học đường (5-19 tuổi) vẫn còn ở mức 14,8%. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi gầy còm (cân nặng/chiều cao) cũng giảm từ 7,1% xuống 5,2% (năm 2020).

- Tỷ lệ thừa cân/béo phì (liên quan chặt chẽ đến chế độ ăn và lối sống) đang gia tăng nhanh chóng ở mọi lứa tuổi cả ở thành thị và nông thôn. Thừa cân/béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7,4% (9,8% ở thành thị; 5,3% ở nông thôn) và rất cao ở mức 19% với trẻ em lứa tuổi học đường.

- Tỷ lệ người trưởng thành thừa cân/béo phì là 15,6%.

- Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng đến năm 2020, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi tại Việt Nam là 19,6%. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai và không có thai tương ứng 25,6% và 16,2%.


(Theo suckhoedoisong.vn)



 

.
.
.