.

Cảnh báo dịch sốt xuất huyết bùng phát

Cập nhật: 20:00, 14/06/2022 (GMT+7)

(ABO) Sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Tính từ đầu năm đến ngày 5-6, số mắc SXH là 39.317 ca, tăng 72%; số tử vong do SXH là 36 ca, tăng 7,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)

Khi biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực và trái đất nóng lên, các bệnh do muỗi truyền như Zika, Chikungunya và đặc biệt là SXH có thể sẽ tiếp tục lây lan, tác động lớn hơn bao giờ hết đến sức khỏe và hạnh phúc của con người. Do khí hậu ảnh hưởng đến sự phát triển của muỗi Aedes và có thể điều chỉnh tốc độ sao chép của vi rút. Nhiệt độ cao làm rút ngắn thời gian ủ bệnh bên ngoài và làm tăng số lượng muỗi, có khả năng lây nhiễm trong thời gian tồn tại của chúng. Lượng mưa và các chỉ số độ ẩm tạo các địa điểm sinh sản thích hợp làm tăng tỷ lệ muỗi trưởng thành.

Bác sĩ Trương Văn Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng, Trưởng đoàn giám sát CDC làm việc với lãnh đạo UBND xã Đạo Thạnh, Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho và Trạm Y tế xã về công tác phòng, chống SXH tại địa phương.

Kiểm tra lăng quăng tại nhà dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Trong một báo cáo về bệnh SXH toàn cầu vào tháng 1-2022, WHO lưu ý, ca bệnh SXH đã tăng 30 lần trong vòng 50 năm qua. Không chỉ gia tăng về số ca mắc, lây lan sang các khu vực mới, mà dịch còn đang bùng phát.

Các chuyên gia đang cảnh báo rằng sự gia tăng đó không chỉ đối với các quốc gia, nơi có khí hậu nhiệt đới là nơi sinh sản tự nhiên của muỗi Aedes mang vi rút, mà còn đối với phần còn lại của thế giới. Do những thay đổi của khí hậu toàn cầu sẽ có những đợt bùng phát dịch trở nên phổ biến hơn và lan rộng hơn trong những năm tới khi ngày càng có nhiều quốc gia trải qua những đợt thời tiết nắng nóng kéo dài và mưa giông làm lây lan cả muỗi và vi rút Dengue.

Tình hình SXH tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam

Tại Việt Nam, SXH là bệnh lưu hành và bùng phát dịch theo chu kỳ, gần đây nhất vào năm 2019, số mắc và tử vong tập trung ở các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Năm 2022, dịch tiếp tục bùng phát do bắt đầu vào chu kỳ 3 - 5 năm kể từ năm 2019, thời tiết thay đổi, chuyển mùa mưa sớm vào những tháng đầu năm, xen kẽ nắng gắt làm nhiệt độ và độ ẩm gia tăng, thuận lợi cho lăng quăng và muỗi Aedes phát triển. Đồng thời ghi nhận có sự lưu hành của 3 tuýp vi rút Dengue là Den 1, Den 2 và Den 4, với ưu thế Den 1 tại khu vực phía Nam và tỉnh Tiền Giang.

Tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam trong tuần 23 (từ ngày 30-5 đến 5-6), số mắc SXH trong tuần là 4.874 ca, tăng 294% so với cùng kỳ tuần năm 2021. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, số ca mắc SXH là 39.317 ca, tăng 72%; số tử vong do SXH là 36 ca, tăng 7,2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình SXH tại Tiền Giang

Trong tuần 23 tại Tiền Giang, số ca mắc SXH trong tuần là 195 ca, tăng 374,5% so với cùng kỳ tuần năm 2021. Tính từ đầu năm, số ca mắc SXH là hơn 1.000 ca, giảm 5,7% so với cùng kỳ nhưng tỷ lệ độ nặng gia tăng là 5,5% và có 2 trường hợp SXH tử vong ở trẻ em, so với cùng kỳ năm 2021 chỉ có 1 trường hợp tử vong.

Số mắc trong tuần trên toàn tỉnh đã vượt chỉ số dịch, có 5 địa phương của tỉnh đang xảy ra dịch là các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành và TX. Cai Lậy. Có 4 huyện, thị, thành đang có nguy cơ xảy ra dịch là TP. Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây và TX. Gò Công. Dự báo tình hình SXH vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch bùng phát trên địa bàn toàn tỉnh từ nay đến cuối năm.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mọi người quá quan tâm kể cả sau đại dịch mà quên rằng còn có nhiều bệnh truyền nhiễm khác có thể bùng phát, hiện đang vào mùa và gia tăng như SXH, tay chân miệng, cúm mùa, các bệnh truyền nhiễm trong Dự án Tiêm chủng mở rộng như sởi, ho gà…

Các triệu chứng của SXH thường bị hiểu nhầm là Covid-19, người nhà tự mua thuốc cho trẻ uống, chỉ đưa trẻ đi khám khi đã có dấu hiệu nặng hoặc biến chứng, làm tăng tỷ lệ nặng, tử vong do phát hiện, nhập viện trễ. Do đó, trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có bất kỳ các triệu chứng bất thường, cần liên hệ hoặc đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn, khám, xét nghiệm, điều trị và theo dõi trẻ.

Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch SXH tại Tiền Giang

Bộ Y tế cảnh báo hiện nay đang là cao điểm mùa dịch SXH, dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Các Viện trong khu vực đang tăng cường kiểm tra, hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật và hóa chất, vật tư phòng, chống SXH cho các địa phương có số mắc và tử vong cao. Phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng SXH và nguy cơ bùng phát dịch, tham mưu cho Bộ Y tế về công tác phòng, chống SXH.

Kiểm tra lăng quăng hộ bà Nguyễn Thị Bảy, ấp 3B (hộ có rất nhiều vật chứa nước lớn và xung quanh nhà có nhiều vật dụng có lăng quăng).
Bác sĩ Trương Văn Nghĩa (bìa phải), Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Ký sinh trùng - Côn trùng, Trưởng đoàn Giám sát Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang làm việc với lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho, UBND xã Đạo Thạnh và Trạm Y tế xã về công tác phòng, chống SXH tại địa phương.

Ngành Y tế đã tập huấn, hướng dẫn các địa phương giám sát chặt chẽ ca bệnh, ca nghi ngờ đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng; giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế. Tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tổ chức Ngày ASEAN phòng, chống SXH lần thứ 12 (ngày 15-6-2022) với chủ đề "Đẩy lùi bệnh SXH". Vận động người dân lật úp các dụng cụ chứa nước đọng không sử dụng, đậy kín dụng cụ chứa nước để ngăn muỗi đẻ trứng và diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống bệnh SXH. Vận động cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội chủ động tham gia và phối hợp tốt với cơ quan y tế trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống SXH tại địa phương nhằm duy trì thường xuyên.

Ngoài các giải pháp về chuyên môn của ngành Y tế, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các ngành. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình hằng tuần nhằm kiểm soát hiệu quả véc tơ lây truyền bệnh. Bảo vệ cá nhân khỏi bị muỗi đốt bằng cách sử dụng các biện pháp cho những người trong gia đình như ngủ mùng ban ngày, mặc quần áo hạn chế tiếp xúc da với muỗi…

Việc kết nối, giáo dục cộng đồng về nguy cơ SXH, cảnh báo dịch SXH với sự huy động, tham gia của cộng đồng kiểm soát véc tơ bền vững, giúp ngăn chặn hiệu quả lây truyền, không để dịch SXH bùng phát trên địa bàn Tiền Giang.

BSCKII LÊ ĐĂNG NGẠN

 

.
.
.