Thứ Hai, 20/06/2022, 15:05 (GMT+7)
.

Chẩn đoán sốt xuất huyết sớm nhờ xét nghiệm NS1

(ABO) Chị Võ Thị T., 42 tuổi, nhà ở xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang có đứa con gái 6 tuổi bị sốt cao một ngày, uống thuốc hạ sốt không giảm nên đi khám bác sĩ. Chị T. lo cháu bị bệnh sốt xuất huyết, nên hỏi bác sĩ làm sao biết con gái mắc bệnh hay không, có xét nghiệm gì để chẩn đoán chính xác không?

Bác sĩ trấn an: “Chị lo như vậy là rất tốt cho bé, vì bệnh sốt xuất huyết nếu được chẩn đoán sớm ngay từ đầu thì việc theo dõi và điều trị sẽ có hiệu quả. Bây giờ chỉ cần lấy một tí máu của bé làm xét nghiệm nhanh sốt xuất huyết thì chẩn đoán chắc chắn trên chín chục phần trăm”.

Về chuyên môn, test nhanh sốt xuất huyết gần giống như test nhanh Covid-19 vậy, nhưng khác ở chỗ là lấy mẫu thử khác nhau. Test nhanh Covid-19 lấy dịch hầu họng để tìm kháng nguyên corona, còn test nhanh sốt xuất huyết thì lấy máu của người bệnh, sau đó quay ly tâm trích ra huyết thanh của bệnh nhân để tìm kháng nguyên vi rút sốt xuất huyết dengue.

Sau khi lấy được mẫu và xử lý xong, nhân viên y tế sẽ nhỏ mẫu lên khai thử và chờ khai thử xuất hiện các vạch màu. Nếu chỉ một vạch C là âm tính, nếu có hai vạch C và T thì dương tính. Dương tính là bị mắc bệnh sốt xuất huyết.

Về cơ chế bệnh sinh được giải thích như sau: Sốt xuất huyết là một bệnh do các vi rút dengue được truyền bởi muỗi vằn cái gây ra. Việc chẩn đoán nhiễm sốt xuất huyết thường không thể chỉ dựa vào các triệu chứng bên ngoài của người bệnh, mà còn phải được làm xét nghiệm. Có hai loại xét nghiệm chẩn đoán sớm sốt xuất huyết, thứ nhất là Real-time PCR, nhưng xét nghiệm này chỉ có thể thực hiện được ở các phòng xét nghiệm hiện đại.

Thứ hai là xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1, được cho là một dấu ấn sinh học mới cho chẩn đoán sớm nhất từ ngày thứ nhất đến khi hết bệnh sốt xuất huyết, thường ngày thứ 9. Kháng nguyên dengue NS1 là một glycoprotein phi cấu trúc của vi rút, nó được tổng hợp ở cả dạng màng tế bào của vi rút và dạng được bài tiết từ vi rút. Xét nghiệm kháng nguyên dengue huyết thanh NS1 có độ nhạy 92,4% và có độ đặc hiệu là 98,4%.

Khi các cháu được chẩn đoán chính xác là mắc bệnh sốt xuất huyết, người nhà cần phải theo dõi tại nhà trong hai ngày đầu, là hai ngày an toàn, sốt xuất huyết thường không chuyển biến nặng trong những ngày đầu tiên.

Lúc này người nhà cần cho bé uống thật nhiều nước, bất cứ nước gì bé thích, trừ nước có màu đỏ hoặc màu đen, vì hai màu đó khó phân biệt với tình trạng dịch có máu khi bé nôn ói. Cho bé uống thuốc hạ sốt theo toa bác sĩ, thường dùng Paracetamol, mà không dùng các loại hạ sốt khác như Aspirin, Ibuprofen… vì các loại này dễ gây xuất huyết bao tử.

Sau ngày thứ hai, người nhà theo dõi sát bé, chú ý các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết khi chuyển nặng, cần đưa đến bệnh viện ngay, gồm bứt rứt hoặc li bì, nôn ói nhiều, đau bụng ngày càng tăng, chảy máu nhiều nơi (chảy máu mũi, máu răng, ói máu, tiêu phân đen...), tiểu ít, tay chân lạnh. Chẩn đoán sớm, theo dõi sát, điều trị đúng là ba tiêu chí góp phần điều trị thành công bệnh sốt xuất huyết.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

       

 

.
.
.