Tiền Giang: Quyết liệt phòng, chống sốt xuất huyết
Hiện nay đang là giai đoạn dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát mạnh trong năm. Tiền Giang đã có 3 trường hợp tử vong và số ca mắc chưa có dấu hiệu dừng lại. Mặc dù tình hình dịch SXH đang diễn biến rất phức tạp nhưng dịch cao phân tử phục vụ điều trị bệnh nhân SXH nặng đang khan hiếm, đây là điều đáng lo ngại. Trước thực trạng này, điều quan trọng nhất chính là ý thức và quyết tâm đẩy lùi dịch SXH của từng cá nhân trong cộng đồng.
TỬ VONG VÌ ĐẾN BỆNH VIỆN MUỘN
Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo, huyện vừa ghi nhận trường hợp bệnh nhân N.T.V., 36 tuổi, ngụ ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tử vong vào ngày 13-7 do SXH nặng sau khi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.
Bệnh nhân SXH nặng đang được điều trị tại Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang. |
Về diễn biến bệnh, chị V. có triệu chứng sốt, mệt mỏi và đã tự mua thuốc ở quầy thuốc tư nhân để uống từ ngày 7-7. Trong thời gian từ ngày 7 đến 9-7, chị V. vẫn tự mua thuốc uống và đi làm tại Công ty TNHH Freeview Việt Nam (Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành).
Thời gian này, chị V. vẫn còn sốt và mệt mỏi, thỉnh thoảng khó thở. Đến sáng ngày 10-7, chị V. mệt nhiều, khó thở và ngất xỉu nhưng vẫn không được đưa đến bệnh viện để thăm khám, điều trị. Đến khuya ngày 10-7, chị V. mệt nhiều, khó thở, sốt lạnh run, nên người nhà mới đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành.
Khoảng 6 giờ, ngày 11-7, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang trong tình trạng mệt nhiều, lơ mơ, khó thở, sốt. Đến 17 giờ cùng ngày, gia đình xin chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.
Bệnh nhân nằm điều trị tại đây đến khoảng 2 giờ 30 phút, ngày 13-7, bệnh nặng nên người nhà xin chuyển bệnh nhân về nhà và tử vong sau đó. Chị V. được chẩn đoán SXH nặng, xuất huyết nặng, suy đa tạng, sốc nhiễm trùng.
Trước đó, Tiền Giang đã có 2 bệnh nhi SXH tử vong (1 trường hợp ở huyện Cái Bè và 1 trường hợp ở TX. Cai Lậy) do đều đến bệnh viện trong giai đoạn muộn, khi đã vào giai đoạn sốc nặng nên dù nỗ lực cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, chính sự chủ quan của bệnh nhân và thân nhân người bệnh làm cho người bệnh chậm được phát hiện mắc SXH và cứu chữa kịp thời nên dẫn đến các trường hợp tử vong do SXH đáng tiếc, hết sức đau lòng.
Bác sĩ Linh kêu gọi người dân cần nghi ngờ mắc SXH khi có dấu hiệu sốt để đến cơ sở y tế tầm soát bệnh và theo dõi điều trị. Việc phát hiện bệnh nhân mắc SXH bằng xét nghiệm máu hiện nay tại tất cả các cơ sở y tế đều có thể thực hiện.
THIẾU DỊCH CAO PHÂN TỬ ĐIỀU TRỊ SXH
Tại 3 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện đều thiếu một số thuốc đặc trị sử dụng cho bệnh SXH độ nặng, đây là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng Tiền Giang. Bác sĩ Nguyễn Văn Luận, Quyền Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy cho biết, đơn vị không còn dung dịch cao phân tử trong điều trị SXH nặng là dung dịch Dextran 40, Hydroxyethyl starch 200 (Refortan).
Với số ca mắc SXH liên tục tăng nhanh như hiện nay, để chủ động phòng, chống dịch SXH, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang đề nghị: Ngành Y tế các huyện, thị, thành tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn, đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại và triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh SXH, xử lý triệt để các ổ dịch không để dịch bùng phát trên địa bàn. Các trạm y tế tuyến xã phải có kế hoạch phòng, chống SXH cụ thể, để tham mưu cho UBND các xã huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng. Đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi… được tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế. |
Tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm (ĐKTT) Tiền Giang, Dược sĩ Trần Hữu An, Trưởng khoa Dược cho biết, bệnh viện bảo đảm dịch truyền, thuốc trong điều trị SXH, tuy nhiên, một số mặt hàng dung dịch cao phân tử như Dextran 40, Hydroxyethyl starch 200 (Refortan) không có hàng. Bệnh viện không tìm được nguồn cung cấp trên thị trường, gây khó khăn trong việc điều trị cho bệnh nhân SXH Dengue nặng.
Theo Tiến sĩ - Bác sĩ (TS.BS) Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang, tại Hội nghị tập huấn hướng dẫn tăng cường công tác điều trị SXH Dengue do Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức ngày 22-6, cục này cho hay, hiện nay, các cơ sở khám, chữa bệnh đang gặp khó khăn khi không có dung dịch cao phân tử HES 200.000 dalton, Dextran 40 để chống sốc SXH.
Các chuyên gia đã họp xem xét, đề xuất tạm thời sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130.000 daltol 6% hoặc Gelatin succninylated 4% trong trường hợp có chỉ định sử dụng cao phân tử theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH.
TS.BS Đỗ Quang Thành cho biết, hiện Bệnh viện ĐKTT Tiền Giang đang điều trị trên 50 bệnh nhân SXH là người trưởng thành và bệnh nhi từ nặng đến rất nặng. Việc điều trị các ca sốc SXH phải cần dung dịch cao phân tử HES 200.000, đặc biệt là dung dịch Dextran 40 rất phù hợp cho trẻ em.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử HES 200.000 và Dextran 40 đã diễn ra và bệnh viện phải thực hiện biện pháp thay thế theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
THỦY HÀ