Tiền Giang: Số ca sốt xuất huyết tăng cao
(ABO) Ngày 28-7, Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thanh Nhơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang cho biết, tính đến ngày 27-7, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3.244 người mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 132,15% so với cùng kỳ năm 2021 (1.407 ca SXH) và có 3 ca SXH tử vong. Trong tuần 30 (từ ngày 18 đến 24-7), ghi nhận 332 ca SXH, tăng 15,3% so với tuần 29.
Lãnh đạo CDC Tiền Giang, cán bộ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh kiểm tra lăng quăng ngoài cộng đồng tại huyện Cái Bè. |
Hiện Tiền Giang có 4/11 huyện, thị, thành có số ca SXH tăng ở mức cao gồm các huyện Cái Bè 889 ca; Châu Thành 495 ca; Cai Lậy 463 ca; Chợ Gạo 259 ca. Trong tuần có các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, TX. Cai Lậy, TX. Gò Công và có 47 xã thuộc 8 huyện vượt đường cong chuẩn. Toàn tỉnh ghi nhận 82 ổ dịch SXH mới phát sinh trong tuần 30 ở 10/11 huyện, thị, thành. Đến nay, toàn tỉnh có 681 ổ dịch và đã được xử lý phun hóa chất.
Theo CDC Tiền Giang, muỗi vằn truyền bệnh SXH sống tại các khu vực gần với con người sinh sống. Muỗi đẻ trứng tại những nơi có nước đọng (lu, vại, thùng, chai, lọ, xô, chậu, rác thải, lốp xe…). Trứng muỗi sẽ nở khi gặp nước và có thể chịu được điều kiện rất khô, sống trong nhiều tháng.
Do đó, để phòng tránh bệnh SXH, mỗi người cần ngăn cản muỗi tiếp xúc nguồn nước bằng cách dùng giải pháp che, đậy kín vật chứa bằng vật liệu mà muỗi không bay vào được; sử dụng hóa chất để diệt ấu trùng muỗi.
Không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước bằng cách lật úp vật chứa, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn để tránh nước mưa; loại bỏ vật chứa, phế liệu, thu gom rác thải không để các vật đọng nước phát sinh lăng quăng.
Thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước, thay nước và chà rửa kỹ vật chứa nước, thực hiện định kỳ 5 - 7 ngày/1 lần.Thay đổi hình thức trữ nước, như không sử dụng các vật chứa nước có nguy cơ đọng nước làm phát sinh lăng quăng mà thay bằng sử dụng trực tiếp từ vòi nước...
THANH HOÀNG