Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch; tập trung đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết trước hết, thực hiện hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm 'phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở' cần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại; Tập trung đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19.
Biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12%
Báo cáo về công tác phòng chống dịch COVID-19 do Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2022 diễn ra ngày 3-8 cho biết tại Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%).
Tích lũy đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu ca mắc, có 9,9 triệu người khỏi bệnh (92%) và hơn 43 nghìn ca tử vong (0,4%). Trong tháng 7-2022, ghi nhận hơn 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong; số mắc mới trung bình 1.000 ca mỗi ngày. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, tử vong giảm 02 ca, tỷ lệ chết/mắc là 0,02% (trung bình thế giới là xấp xỉ 1,2%).
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị cần tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại; Tập trung đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19... Ảnh: Dương Giang |
Nhận định về tình hình dịch, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian tới số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng; cùng đó các dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).
Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, theo Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết trước hết, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm 'phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở'; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.
Bộ Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, cụ thể như:
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thế mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.
Tiếp tục tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt chú ý đối với nhóm nguy cơ cao, hạn chế thấp nhất các ca tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện; tăng cường chỉ đạo tuyến, hỗ trợ tuyển dưới.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị.
Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, hướng dẫn về công tác tài chính, hậu cần, các chế độ, chính sách trong công tác phòng, chống dịch.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt về tiêm vaccine, lợi ích, hiệu quả của vaccine COVID-19; hướng dẫn thực hiện 2K và các thành tố khác rõ ràng, dễ hiểu.
Phối hợp với các tổ chức, chuyên gia trong nước, quốc tế theo dõi, cập nhật tình hình dịch, nhất là với các biến thể mới; kịp thời đề xuất các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp và huy động hỗ trợ, viện trợ của các tổ chức quốc tế.
Tập trung hoàn thành tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trong tháng 8-2022
Đối với các địa phương, Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ, các công điện của Thủ tướng Chính phủ về tiêm vaccine và phòng, chống dịch bệnh; chủ động, sẵn sàng đáp ứng các tình huống dịch có thể xảy ra, không để bất ngờ, bị động.
Quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo công thức "2K (khẩu trang khi khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác" với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.
Chỉ đạo theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Chỉ đạo các cơ sở điều trị tiếp tục thực hiện tốt việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh; đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, cách ly, điều trị, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao; không để lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine COVID 19, hoàn thành tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi trong tháng 8-2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng và không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.
Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong để khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Cần tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine COVID 19, hoàn thành tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi trong tháng 8-2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Trần Minh |
Chỉ đạo các đơn vị bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dẫn; tiếp tục kiện toàn lực lượng chống dịch, động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ với các cán bộ y tế trên địa bàn, nhất là cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, cán bộ y tế trong các cơ sở điều trị, bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả.
Đối với các bộ, ngành, Bộ Y tế đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế để thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đảm bảo kinh phí, nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan tới công tác phòng, chống dịch.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các địa phương tăng cường tiêm vaccine cho trẻ em đảm bảo hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế và cho phép ban hành Nghị định bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập theo trình tự, thủ tục rút gọn. |
(Theo suckhoedoisong.vn)