.

Tiền Giang: Xây dựng các tình huống ứng phó với dịch đậu mùa khỉ

Cập nhật: 08:40, 18/08/2022 (GMT+7)

(ABO) Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh này xâm nhập vào nước ta rất lớn do ca bệnh xuất hiện ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Mặt khác, nước ta đang phải đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19, sốt xuất huyết….

Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là “Sớm một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế Tiền Giang xây dựng Kế hoạch 4691 ứng phó với dịch bệnh này.

Trong Kế hoạch 4691, Sở Y tế Tiền Giang yêu cầu các bệnh viện và trung tâm y tế (gọi chung là cơ sở điều trị) chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ theo một trong các tình huống sau đây:

Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam; tiến hành các công việc:

Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch để ứng phó với tình huống dịch xâm nhập vào Việt Nam và Tiền Giang.

Chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện cho phòng chống dịch.

Xây dựng quy trình nội bộ: tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ theo Quyết định  2099 ngày 29-7-2022 của Bộ Y tế.

Thành lập đội chống dịch cơ động để hỗ trợ cho tuyến dưới.

Tình huống 2: Có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam và Tiền Giang; tiến hành các công việc:

Tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho các ca bệnh đậu mùa khỉ.

Cập nhật quy trình nội bộ: tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở.

Thường trực chống dịch 24/24 giờ.

Điều trị các ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo.

Rà soát lại cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, hoá chất, nhân lực, sẵn sàng ứng phó khi dịch lan rộng.

Tổ chức tập huấn bổ sung cho nhân viên y tế: công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm.

Tình huống 3: Dịch lây lan ra cộng đồng; tiến hành các công việc:

Mở rộng khu vực cách ly điều trị; huy động các khoa lâm sàng và các bộ phận hỗ trợ tham gia.

Thường trực chống dịch 24/24 giờ; bệnh viện tuyến trên sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới và trung tâm y tế khi cần thiết.

Phân loại người bệnh theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại chỗ hoặc chuyển tuyến phù hợp; hạn chế di chuyển người bệnh.

Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm, giám sát.

M.T

.
.
.