Ngăn chặn nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người
Từ đầu năm đến nay, bệnh dại trên người đang có xu hướng gia tăng tại các địa phương trên cả nước, nhất là ở một số tỉnh vốn trước đây không phải là khu vực trọng điểm về căn bệnh này. Trước tình trạng nêu trên, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành y tế, các cơ quan có liên quan tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại địa phương mình quản lý.
Tiêm vắc-xin ngừa bệnh dại cho người dân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ. (Ảnh NGỌC DI) |
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao trên thế giới, trung bình mỗi năm toàn thế giới có 60 nghìn ca tử vong do bệnh dại. Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong. Năm 2022, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Như tỉnh Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), tỉnh Kiên Giang có năm ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận một ca) và tỉnh Gia Lai có bốn ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ca tử vong).
Tính từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 40 trường hợp tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc-xin. Về gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Theo báo cáo của ngành thú y, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại mới đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong hai năm liên tiếp.
Bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập nếu không kịp thời tiêm vắc-xin dại, vi-rút dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng từ 12 đến 24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình “tàn phá”. Đáng chú ý, bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày, có thể kéo dài đến một năm. Với vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương “đoạn đường” di chuyển của vi-rút lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.
Bệnh dại có hai thể, gồm: Thể cuồng và thể liệt. Thể cuồng, ngay khi bị nhiễm vi-rút, nếu không tiêm vắc-xin dại kịp thời, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi vi-rút xâm nhập sâu vào não bộ, người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, hành vi hung hăng, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp, lú lẫn, co thắt cơ bắp, ngưng tim…
Người bệnh sẽ chết chỉ sau một tuần kể từ ngày phát bệnh. Đối với thể bại liệt ít gặp hơn, thể này khiến người bệnh tê liệt toàn bộ cơ thể, rối loạn tiểu, rối loạn đại tiện, liệt tay, chân. Người bệnh sẽ tử vong ngay nếu liệt lan đến cơ hô hấp. Khi phát dại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc chết. Người nhiễm vi-rút dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%. Tuy nhiên, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc-xin đúng và đầy đủ.
PGS, TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Y tế cho rằng: Nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại các khu vực nói trên và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn. Do vậy, để chủ động phòng, chống bệnh dại trên người, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn.
Trong đó, cần tập trung tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc-xin dại kịp thời; tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người, động vật, nhất là không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận. Ngành y tế tăng cường tiếp cận của người dân với vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người, đồng thời mở rộng, tăng cường các điểm tiêm vắc-xin phòng dại để bảo đảm ít nhất một huyện, thị xã có một điểm tiêm. Đối với các địa phương có nguy cơ cao, thành lập thêm các điểm tiêm vắc-xin phòng dại tại tuyến xã để tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm (nếu cần thiết).
Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người tham gia phòng, chống dịch dại ở những vùng có nguy cơ cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đẩy mạnh công tác giám sát và xử lý ổ dịch dại trên động vật, kịp thời chia sẻ thông tin với ngành y tế để chủ động phòng, chống lây nhiễm sang người. Tuyên truyền cho người nuôi chó, mèo các biện pháp bảo đảm an toàn cho người ở các khu vực công cộng, tránh để trường hợp chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng; lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật để tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin ít nhất 70% tổng đàn trên địa bàn.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng dại cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm... Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà-phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà-phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch, đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn; hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương; đồng thời đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại...
(Theo nhandan.vn)