.

Tiền Giang: Tăng cường giám sát việc tổ chức bữa ăn bán trú

Cập nhật: 20:39, 28/11/2022 (GMT+7)

Sau vụ việc 14 học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang phải nhập viện sau khi uống sữa tại trường làm cho nhiều phụ huynh lo lắng về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học. Nhiều người cho rằng, cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát quy trình tổ chức bữa ăn bán trú trong trường học, đặc biệt là nguồn thực phẩm đầu vào phải thật sự an toàn, rõ nguồn gốc.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí cho biết, 14 học sinh phải nhập viện sau khi uống sữa tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi là vụ việc rất đáng tiếc. Hiện tại, tất cả 14 em học sinh đều xuất viện, sức khỏe đã bình thường. Ngành chức năng cũng đã lấy các mẫu sữa và thức ăn kiểm nghiệm để tìm ra nguyên nhân vụ việc.

Hiện tại sức khỏe của 14 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã ổn định.
Nhập viện sau khi uống sữa, đến nay sức khỏe 14 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã ổn định.

Theo ngành Giáo dục, hiện nay toàn tỉnh Tiền Giang có 208 cơ sở giáo dục thực hiện bán trú, học sinh bán trú được cung cấp bữa ăn theo hình thức tổ chức nấu ăn và phân chia thức ăn tại trường. Chính vì vậy, việc kiểm tra, giám sát ở các công đoạn trong việc tổ chức bếp ăn bán trú là rất cần thiết.

Theo cô Nguyễn Thị Thùy Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng, TP. Mỹ Tho, nhà trường tổ chức bán trú cho trẻ ở 3 bữa ăn sáng, trưa và xế chiều. Theo đó, từ sáng sớm trước 6 giờ, các nhân viên cấp dưỡng của trường cùng với Phó Hiệu trưởng quản lý bán trú đã có mặt để làm nhiệm vụ tiếp phẩm, chuẩn bị các bữa ăn cho trẻ. Đây là công đoạn cực kỳ quan trọng, bởi chỉ cần sơ suất là ảnh hưởng đến cả quy trình bán trú của trường. Do đó, thực phẩm tiếp nhận phải được kiểm tra thận trọng đáp ứng các yêu cầu như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thực phẩm tươi, sống, không sử dụng nguyên liệu đông lạnh.

"Mỗi trường học tổ chức bán trú cần phải thực hiện chặt chẽ các quy trình tiếp phẩm, chế biến thức ăn, lưu mẫu; phải có cơ chế giám sát ở tất cả các khâu. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú tại các cơ sở giáo dục bán trú”.

GIÁM ĐỐC SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LÊ QUANG TRÍ CHO BIẾT

Sau khâu tiếp phẩm là quy trình sơ chế, chế biến để phục vụ cho việc nấu ăn. Quy trình này được điều khiển bởi bếp trưởng của bếp ăn và dưới sự giám sát của Ban Giám hiệu nhà trường. Nhân viên cấp dưỡng trong suốt quá trình thực hiện quy trình nấu ăn đều phải đeo khẩu trang và găng tay, các món ăn phải được đảm bảo chế biến đúng cách và được nấu chín, dứt khoát không để xảy ra tình trạng nấu thức ăn ngoài chín, trong sống hoặc tái, để tránh những nguy cơ ngộ độc cho học sinh. Sau khi chế biến thức ăn, nhân viên y tế của trường cùng với cấp dưỡng sẽ thực hiện lưu mẫu thực phẩm, niêm phong mẫu trước khi chia các khẩu phần ăn theo từng lớp, từng học sinh.

Theo các trường học có thực hiện bán trú, bên cạnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các trường còn chú trọng tính dinh dưỡng trong các khẩu phần ăn. Theo đó, các trường đều quản lý dinh dưỡng suất ăn của học sinh bằng phần mềm dinh dưỡng. Trong mỗi tuần, khi lên thực đơn, các trường chỉ cần nhập số liệu thì phần mềm dinh dưỡng sẽ tự động tính toán nhu cầu dinh dưỡng phù hợp cho từng độ tuổi của học sinh.

Đ.PHI - T.LÂM

.
.
.