.

Vì sao nuốt nam châm lại nguy hiểm?

Cập nhật: 06:59, 16/02/2023 (GMT+7)

(ABO) Vừa qua, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An đã phẫu thuật cấp cứu lấy 25 viên bi nam châm đồ chơi trong ổ bụng của bệnh nhi 37 tháng tuổi.

Về chuyên môn, việc nuốt phải một nam châm đơn lẻ sẽ không gây ra vấn đề gì về sức khỏe của bé, vì nó hoạt động giống như một vật thể lạ bị cô lập. Nam châm đơn lẻ trong hầu hết các trường hợp di chuyển âm thầm qua đường ruột một cách vô hại và bị tống ra ngoài mà không có biến chứng.

Tuy nhiên, việc nuốt nhiều nam châm cùng một lúc hoặc một nam châm cùng với một miếng kim loại khác sẽ rất nguy hiểm. Nguyên nhân, nam châm là một kim loại có từ tính. Các phân tử từ tính này có thể bị hút vào nhau với lực hút rất mạnh, nó có khả năng làm cho thành ruột xen kẽ giữa nam châm và vật bị hút đè ép lại, đoạn ruột bị ép lại sẽ thiếu máu cục bộ, từ từ đoạn ruột sẽ bị hoại tử.

Các tế bào ruột bị hoại tử làm thủng ruột, từ nơi thủng, dịch ruột rò rỉ ra trong ổ bụng, gây ra viêm phúc mạc, nếu không mổ kịp thời, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Khi trẻ chẳng may nuốt nam châm, gia đình nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để khám bệnh. Khi vào bệnh viện, người nhà của trẻ nhớ khai báo cho bác sĩ biết là bé bị nuốt nam châm để bác sĩ có cách xử lý đúng và kịp thời. Phương pháp đơn giản để chẩn đoán là chụp X quang bụng để tìm vị trí của cục nam châm, nếu là một cục nam châm đơn lẻ thì chỉ cần theo dõi ở nhà, trẻ sẽ đi tiêu ra ngoài.

Còn nếu thấy có hai cục nam châm trở lên, hoặc một cục nam châm và một miếng kim loại khả năng bị biến chứng rất cao, cần phải theo dõi sát tại bệnh viện. Nếu thấy bé bị đau bụng, khó chịu, quấy khóc thì phải báo ngay cho nhân viên y tế.

Để phòng ngừa tai nạn vì nuốt nam châm, gia đình có trẻ nhỏ không nên cho trẻ chơi đồ chơi có nam châm, nhất là các bé dưới 3 tuổi.

BS. NGUYỄN THÀNH ÚC

 

.
.
.