.

Y tế thông minh

Cập nhật: 10:09, 03/02/2023 (GMT+7)

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định y tế là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên.

Chương trình cũng nêu rõ, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Những thay đổi mạnh mẽ của ngành y tế với bệnh án điện tử, khám, chữa bệnh (KCB) từ xa, bác sĩ số đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và đang nhận được sự quan tâm của xã hội...

Kết quả bước đầu của chuyển đổi số

Năm 2014, Bộ Y tế là đơn vị đầu tiên triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, về đích trước thời hạn và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, danh mục hàng hóa... tạo hành lang pháp lý cho cá nhân, tổ chức khi tham gia Cơ chế một cửa quốc gia. Trong đại dịch Covid-19, ngành y tế cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong phòng ngừa, kiểm soát dịch, góp phần ngăn chặn, giảm tốc độ lây lan dịch tại Việt Nam.

Tại Hội thảo "Ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, góp phần nâng cao chất lượng KCB”, GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Trong lĩnh vực y tế, rất nhiều ứng dụng công nghệ đã được triển khai trên thế giới. Thực tế cho thấy, nơi nào công nghệ thông tin phát triển, nơi đó sẽ hiện đại hơn, ưu việt hơn, thuận tiện hơn, có điều kiện tốt hơn để nâng cao chất lượng KCB, hướng tới sự hài lòng của người bệnh". Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hơn hai năm qua, hệ thống KCB ở nước ta đã ghi nhận những nỗ lực lớn, những vất vả trong phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ KCB cho nhân dân. Trong những lúc khó khăn đó, Việt Nam đã triển khai thành công Đề án "KCB từ xa" và khai trương 1.000 điểm cầu trên cả nước. Đến nay, đề án đang được các địa phương tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn, KCB từ xa và lan tỏa ra khắp mọi miền Tổ quốc.

Các bác sĩ Bệnh viện K hỗ trợ chuyên môn điều trị một ca bệnh ung thư qua hội chẩn từ xa. Ảnh: HÀ TRẦN
Các bác sĩ Bệnh viện K hỗ trợ chuyên môn điều trị một ca bệnh ung thư qua hội chẩn từ xa. Ảnh: HÀ TRẦN

Về ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB, ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) chia sẻ: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB được các chuyên gia đánh giá là khó khăn và phức tạp hơn so với các lĩnh vực khác. Chuyển đổi số trong KCB liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân, nếu triển khai không bảo đảm chất lượng theo yêu cầu cũng như quy trình, sẽ tạo ra những hiệu ứng, kết quả ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân”.

Tiến tới xây dựng một nền y tế thông minh

Nhiều kỹ thuật cao chuyên sâu đã được triển khai thành công ngay tại y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh. Trong các nỗ lực đó, điểm nhấn quan trọng góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân chính là triển khai ứng dụng tổng thể và toàn diện công nghệ thông tin, nhằm tiến tới xây dựng một nền y tế thông minh. Khi đó, mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế hoặc truy xuất, theo dõi thông tin sức khỏe bản thân ở mọi nơi một cách dễ dàng, thuận tiện, minh bạch, chất lượng và bảo mật. Đối với các y, bác sĩ làm việc tại tuyến cơ sở, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo thuận lợi hơn trong hoạt động chuyên môn.

Đơn cử, tại Bệnh viện K, qua ứng dụng telehealth, các chuyên gia của Bệnh viện đã tham gia hội chẩn và đưa ra phác đồ điều trị hàng trăm ca bệnh tại tuyến dưới, trong đó có những ca bệnh được kết nối hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị bởi chuyên gia hàng đầu thế giới. Việc KCB từ xa góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả KCB của các bệnh viện tuyến dưới; hạn chế người bệnh đến cơ sở KCB trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt, điểm nhấn trong thực hiện KCB từ xa tại Bệnh viện K là đơn vị đã kết nối hệ thống telehealth với chuyên gia nước ngoài. Điều này có nghĩa là các chuyên gia hàng đầu về ung thư của Viện Curie (Pháp), Trung tâm Ung thư Quốc gia Nhật Bản... có thể hội chẩn trực tuyến với bác sĩ và ca bệnh ở cơ sở điều trị tuyến dưới trong hệ thống KCB từ xa của Bệnh viện K. Như vậy, bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa sẽ được hưởng các phác đồ điều trị ở những nơi có nền y học phát triển.

Những thầy thuốc của thời đại 4.0 đang từng bước làm chủ, ứng dụng công nghệ thông tin vào tổng thể các hoạt động trong toàn ngành, góp phần tạo diện mạo, phong cách làm việc mới, thông minh, hiện đại và hiệu quả, từ đó thiết thực nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân, khẳng định vai trò, vị thế của các lương y thời đại mới. Y tế số phát triển là tương lai, cơ hội, thách thức cho cả doanh nghiệp lẫn người dùng tại Việt Nam. Y tế số chính là giải pháp để bác sĩ, bệnh nhân được tiếp cận với nhau một cách gần gũi và hiệu quả hơn.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.