Không để các dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát, lây lan
Với mục tiêu giảm số ca mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm; hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát, lây lan dịch tại cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, nâng cao năng lực giám sát, chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm, nhất là với những người mắc Covid-19...
Hà Nội đẩy mạnh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. (Ảnh LINH ÐAN) |
Theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 25.490 ca mắc sốt xuất huyết (tăng hai lần so với cùng kỳ năm 2022), có ba ca tử vong. Các địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao là: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, An Giang, Ðồng Nai, Ðà Nẵng, Khánh Hòa... Ðối với dịch Covid-19, từ đầu tháng 4 đến nay, số ca mắc mới đang gia tăng, nhất là tại khu vực phía bắc, nơi thời tiết đang giao mùa.
Cụ thể trong bảy ngày (từ ngày 5 đến 11/4), cả nước ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình 90 ca mắc mới mỗi ngày thì đến tuần từ ngày 13 đến 19/4, cả nước ghi nhận 7.480 ca mắc mới, trung bình mỗi ngày có 1.068 ca mắc... Tuy nhiên, dịch Covid-19 ở nước ta vẫn đang được kiểm soát, dịch vẫn đang ở cấp độ một (mầu xanh). Các chùm ca bệnh tại Lào Cai, Hà Nội đều được xử lý kịp thời, không còn lan rộng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên toàn cầu hiện nay được dự báo vẫn diễn biến khó lường. Dịch Covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới.
Hiện nay, dịch bệnh diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh tiếp tục biến đổi, xuất hiện; xu hướng dịch bệnh khó dự báo. Ðáng lo ngại, qua ba năm có dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng chưa đạt được như mong muốn; số trẻ em chưa được tiêm chủng đủ liều vắc-xin còn cao, khả năng miễn dịch giảm theo thời gian... Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương |
Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi khác tiếp tục xuất hiện và lây lan, như cúm A (H5N1) tại Campuchia, bệnh Marburg tại khu vực châu Phi... nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; một số bệnh truyền nhiễm khác như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi…, các bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc-xin cũng có nguy cơ gia tăng. Trong khi đó, còn tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu chủ động, quyết liệt xảy ra tại một số nơi, một số thời điểm...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang kiểm tra vật chứa nước có loăng quăng tại ấp Mỹ Tường, xã Thiện Trung, huyện Cái Bè. (Ảnh THANH HOÀNG) |
Theo đánh giá của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay, dịch bệnh diễn biến khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các biến chủng mới, các tác nhân gây bệnh tiếp tục biến đổi, xuất hiện; xu hướng dịch bệnh khó dự báo. Ðáng lo ngại, qua ba năm có dịch Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng chưa đạt được như mong muốn; số trẻ em chưa được tiêm chủng đủ liều vắc-xin còn cao, khả năng miễn dịch giảm theo thời gian...
Ðể thực hiện được mục tiêu giảm số ca mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm, Covid-19, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch và góp phần quan trọng trong việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Bộ Y tế đề nghị các địa phương nhanh chóng xây dựng, tham mưu, trình ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023, trên cơ sở phù hợp, cụ thể của địa phương mình theo nội dung hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là dịch Covid-19 để sớm có quyết định phê duyệt kinh phí phục vụ công tác này.
Mặt khác, chủ động nâng cao năng lực điều trị, chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tại các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như: phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,…), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…
Các địa phương tiếp tục tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho nhóm nguy cơ cao và trẻ em. Sau khi nhận được nguồn vắc-xin được cấp từ Trung ương, các địa phương cần triển khai tiêm ngay và cố gắng theo đúng tiến độ và tỷ lệ đề ra. Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cần tiếp thu ý kiến, sớm có hướng dẫn các đơn vị, địa phương trong vấn đề tự chủ, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vắc-xin… để bảo đảm hậu cần, vật tư cho công tác tiêm chủng, phòng, chống dịch. Chính quyền các địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp ngành y tế tăng cường công tác kiểm dịch y tế, theo dõi, giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội Khổng Minh Tuấn nêu rõ: Hiệu quả của vắc-xin đã giảm dần theo thời gian và ngay cả người đã tiêm đủ các mũi vẫn có thể nhiễm bệnh, do vậy, các bệnh viện, cơ sở y tế cần sớm tiến hành rà soát để có đề xuất mua vắc-xin phòng Covid-19 kịp thời; tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh, nhất là đối với người cao tuổi và có bệnh nền; khuyến cáo người dân tiêm đủ các mũi vắc-xin; những ca bệnh nhẹ triển khai cách ly tại nhà, nhập viện điều trị với các ca nặng.
Mặt khác, tập trung truyền thông, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch Covid-19, các bệnh truyền nhiễm, thông tin về hiệu quả của vắc-xin, khuyến khích người dân tiêm chủng đầy đủ, nhất là tổ chức các chiến dịch truyền thông cao điểm tuyên truyền phòng, chống dịch theo đặc thù của từng dịch bệnh. Ðối với Covid-19, người dân cần thực hiện tốt khuyến cáo "2K" (khẩu trang và khử khuẩn) của ngành y tế đưa ra. Người dân khi đến các bệnh viện, khi tham gia các phương tiện giao thông công cộng, nơi đông người cần đeo khẩu trang và khử khuẩn để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng hiệu quả.
(Theo nhandan.vn)